Rất nhiều doanh nghiệp phản ứng quyết liệt với quyết định di dời của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Doanh nghiệp bối rối
Mới đây, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM đã ra quyết định yêu cầu hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động tại chung cư phải làm thủ tục đổi địa chỉ trụ sở. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày ký công văn, các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại căn hộ chung cư phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi trụ sở sang địa điểm khác.
Nguyên nhân được cho là dẫn đến việc di dời các trụ sở khỏi chung cư do hoạt động kinh doanh tại đây làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân khác. Nếu quá thời hạn trên mà cơ quan chức năng chưa nhận được đăng ký thay đổi trụ sở mới thì sẽ tiến hành xử lý.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, rất nhiều trụ sở, công ty trên địa bàn vẫn chưa nhận được bất kì văn bản nào của cơ quan chức năng. Và hơn thế nữa, hầu hết đồng thanh lên tiếng phản đối vì cho rằng rất khó khăn để di dời trụ sở trong thời điểm này.
Theo chị Thanh Vy, chủ cửa hàng thực phẩm sạch tại chung cư Harmona, quận Tân Bình, ở chung cư, hầu hết cư dân đều có nhu cầu sử dụng thực phẩm, nên không thể nói cửa hàng này ảnh hưởng đến sinh hoạt đến người khác.
“Tôi chưa hề nghe ai phàn nàn về bất kì điều gì cả. Chỉ thấy cư dân tại đây đi làm về thì ghé vào các cửa hàng dưới này mua rồi nấu cho tiện. Nếu cấm thì nên cấm những nơi kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường, gây ồn ào, còn mình kinh doanh tiện ích cho cư dân thì tốt mà”, chị Vy nói.
“Chúng tôi thuê chỉ để sử dụng làm văn phòng, công ty ít người, trật tự và nề nếp, tại sao lại nói ảnh hưởng đến cư dân. Mặc khác, công ty cũng chưa hề nhận được văn bản nào của chủ đầu tư nói về việc phải di dời trụ sở ra khỏi chung cư Cửu Long (Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh). Thậm chí, cách đây mấy tháng, chủ đầu tư còn gợi ý cho công ty gia hạn đồng.
Nếu như bên Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản chỉ đạo di dời khỏi chung cư tức thời thì rất khỏ. Bởi thời gian này là dịp tết, các doanh nghiệp đang chạy đua với công việc”, đại diện công ty Hải Yến cho biết.
Nên kéo dài thời gian di dời
Sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư phát đi hàng ngàn thông báo, nhiều doanh nghiệp kinh doanh phản ứng quyết liệt với yêu cầu này và khẳng định gian đoạn này sẽ vẫn hoạt động kinh doanh tại các căn hộ chung cư.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nếu muốn các doanh nghiệp di dời khỏi chung cư cũng phải có lộ trình dài hạn chứ không nên cứng nhắc. Việc gấp rút yêu cầu các doanh nghiệp di dời khỏi chung cư trong thời điểm này sẽ gây ra nhiều khó khăn vì dịp tết Đinh Dậu 2017 đang đến gần.
“Thật ra, điều 6 Luật Nhà ở ban hành năm 2014 và có hiệu lực ngày 1/1/2015 đã đề cập đến việc cấm sử dụng chung cư ngoài mục đích để ở. Nghị định 99/2015 cũng hướng dẫn thi hành Luật nhà ở có điều khoản quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không được phép sử dụng căn hộ chung cư làm địa điểm kinh doanh từ sau 10/6/2016. Tuy nhiên, thiếu sót của luật là từ trước đến nay chưa có chế tài cụ thể hoặc chưa có cơ sở xử phạt đủ tính răn đe đối với hành vi vi phạm này.
Bên cạnh đó, Hiệp hội BĐS cũng đang kiến nghị lên cơ quan chức năng để cho phép các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hoặc đặt trụ sở, chi nhánh công ty tại chung cư giãn lộ trình di dời từ 2017 đến 2020. Thời gian để di dời tối thiểu là một năm và tối đa là 3 năm.
Luật sư Nguyễn Tri Đức – Công ty luật 360, đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, việc chấp hành các chính sác, quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước là điều bắt buộc mà doanh nghiệp phải tuân thủ. Thế nhưng, cơ chức năng không nên vội vàng trục xuất doanh nghiệp ra khỏi chung cư mà cần phải có thời gian thực tiễn, rà soát các doanh nghiệp để đưa ra những biện pháp hợp lý. Bởi những đơn vị thuê chung cư làm nơi kinh doanh thường ký hợp đồng dài hạn để ổn định việc làm ăn.
“Hoạt động này đa phần đều đã tồn tại trước khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực. Nếu tôi ký thuê 3 năm, mà giờ chỉ mới sử dụng được 2 tháng mà bảo chuyển đi thì phải làm thế nào. Bên cạnh đó, việc thay đổi môi trường kinh doanh trong dịp tết cận kề cũng không hề dễ dàng cho các doanh nghiệp. Việc trục xuất, vô hình trung sẽ kéo theo nhiều vụ tranh chấp tài sản giữa chủ đầu tư và đại diện của doanh nghiệp”, luật sư Đức phân tích.