Tàu ngầm không người lái Mỹ. Ảnh minh họa.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), đây không phải lần đầu tiên hai cường quốc thế giới gặp rắc rối về những sự cố quân sự trong khu vực.
Sự cố đụng độ quân sự Mỹ-Trung
Ngày 1.4.2001, máy bay trinh sát EP-3E Aries II của hải quân Mỹ đã đâm vào chiến đấu cơ J-8 của Trung Quốc, cách đảo Hải Nam 110 km.
Máy bay Mỹ đã phát tín hiệu cấp cứu trước khi hạ cánh khẩn cấp trên đảo. 24 thành viên phi hành đoàn bị phía Trung Quốc bắt giữ cùng với các trang thiết bị tình báo. Trong khi đó, chiến đấu cơ J-8 lao xuống biển, phi công mất tích và được coi là tử nạn.
Lầu Năm Góc cáo buộc Trung Quốc đưa chiếc J-8 áp sát máy bay do thám Mỹ một cách bất thường, khiến tai nạn xảy ra. Sự cố tạo nên làn sóng phản đối Mỹ dữ dội ở Trung Quốc. Thiếu tá Vương Vĩ, người tử nạn được Bắc Kinh trao tặng huân chương và tổ chức tang lễ theo nghi thức quân đội.
Vụ tai nạn đã khiến quan hệ Mỹ-Trung rơi vào bế tắc, trước khi Tổng thống Mỹ khi đó, Geogre W Bush gặp Chủ tịch Trung Quốc ở thời điểm đó là Giang Trạch Dân. Các phi công Mỹ được trả tự do ngày 11.4.
Máy bay do thám EP-3E Aries II của Mỹ.
Năm 2009, tàu khảo sát hải dương học USNS Impeccable thuộc hải quân Mỹ, bị kéo vào cuộc đối đầu với tàu Trung Quốc ở Biển Đông.
Phía Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc, nói Bắc Kinh lo ngại Washington có thể sử dụng tàu Impeccable để theo dõi tàu ngầm hoặc căn cứ tàu ngầm Trung Quốc trong khu vực.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc khi đó cho biết, có lúc một tàu Trung Quốc chỉ cách USNS Impeccable khoảng 7,5 m. Lầu Năm Góc lên án "hoạt động khiêu khích nguy hiểm và không chuyên nghiệp" của phía Trung Quốc. Washington yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng luật hàng hải quốc tế.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh cho tàu khu trục tên lửa USS Chung-Hoon hộ tống tàu Impeccable trong sứ mệnh sau đó ở Biển Đông.
Tháng 12.2013 tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Mỹ, USS Cowpens hoạt động tại vùng biển quốc tế ở Biển Đông, gần tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.
Hai tàu Trung Quốc xuất hiện ngay trước tàu Mỹ, khiến USNS Impeccable phải dừng đột ngột để tránh va chạm
Một chiến hạm khác của hải quân Trung Quốc cắt ngang và dừng trước tàu Mỹ chỉ 500 m, buộc USS Cowpens phải chuyển hướng khẩn cấp để tránh va chạm.
Chuyên gia Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Úc khi đó nhận định, vụ suýt va chạm là sự cố hàng hải nghiêm trọng nhất tại Biển Đông từ năm 2009 giữa hai nước.
Hoạt động trinh sát ngầm ở Biển Đông
Trong khi hai bên đều cố gắng kiềm chế thông qua kênh đối thoại quân sự để né tránh xung đột, phía Mỹ không hề giấu giếm việc đưa các tàu ngầm không người lái đến Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Ashton Carter nói hồi tháng 4 rằng, Washington sẽ chi hơn 8 tỷ USD vào năm 2017 để phát triển các tàu do thám không người lái dưới nước.
USS Cowpens tập trận phóng tên lửa năm 2012.
Nhà phân tích quân sự Anthony Wong Dong ở Ma Cao nhận định, các tàu ngầm do thám không người lái Mỹ có thể thu thập thông tin về đại dương, vốn rất quan trọng với tàu ngầm hạt nhân.
Zhao Xiaozhuo, đại tá làm việc tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc nói, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa tàu ngầm không người lái đến Biển Đông. Nhưng Trung Quốc đã “dám” thu giữ tàu ngầm này.
Hành động bất thường của Bắc Kinh là do Trung Quốc cảm thấy bị phương hại lợi ích và đe dọa an ninh quốc gia, ông Zhao nói.
Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin cho rằng, Trung Quốc muốn gửi thông điệp, chứng minh nước này có thể ngăn chặn các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông.
“Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh nhờ sự cố này. Bắc Kinh cũng ra dấu hiệu đủ sức ngăn chặn Mỹ can thiệp quân sự”, ông Wang nhận định.