Dân Việt

Kẻ cướp ngân hàng ở Huế đối diện tội danh nào?

Xuân Lực 18/12/2016 18:55 GMT+7
Khi vào ngân hàng cướp tiền, hung thủ dùng súng bắn đạn bi hơi gas để uy hiếp nhân viên ngân hàng lấy tiền.

img

Nguyễn Hoàng Tâm, nghi phạm gây ra vụ cướp ngân hàng ở TP.Huế (ảnh: Nguyễn Phương)

Ngày 18.12, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45) - Bộ Công an xác nhận, trưa cùng ngày, C45 cùng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, Công an TP.Đà Nẵng đã bắt giữ nghi phạm thực hiện vụ cướp hơn 725 triệu đồng ở phòng giao dịch BIDV Thành Nội (29 Mai Thúc Loan, TP.Huế).

Danh tính đối tượng được xác định là Nguyễn Hoàng Tâm (29 tuổi), hộ khẩu thường trú ở huyện Đắk Mil, Đắk Nông.

Trước đó, vào khoảng 17h ngày 6.12, một đối tượng bịt mặt cầm theo súng bắn đạn bi vào Phòng giao dịch BIDV Thành Nội sau đó nổ súng uy hiếp nhân viên ngân hàng cướp đi hơn 725 triệu đồng.

Camera an ninh tại chi nhánh ngân hàng BIDV cho thấy, khi vào ngân hàng cướp tiền, đối tượng mặc áo khoác da màu đen, đầu đội mũ bảo hiểm, bịt khẩu trang, dùng súng bắn đạn bi hơi gas để uy hiếp nhân viên ngân hàng lấy tiền.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trong vụ cướp ở phòng giao dịch BIDV Thành Nội, hành vi của tên cướp đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 133, Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

“Theo quy định, người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500  triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 18 đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, nếu thông tin, ngân hàng bị cướp số tiền trên 700 triệu đồng phòng giao dịch BIDV Thành Nội là chính xác thì tên cướp sẽ đối mặt với mức án thấp nhất là 18 năm tù, nặng nhất là tử hình.

Ngoài hình phạt tù, tên cướp còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm theo Điều 133 Bộ luật Hình sự”, luật sư Tuấn Anh nói.

Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm, với hành vi sử dụng súng bắn đạn bi nén khí gas để làm công cụ gây án, đối tượng phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ” theo quy định tại Điều 233 Bộ luật Hình sự.

“Với hành vi này, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại Điều 233 Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cứ trú từ 1 năm đến 5 năm theo Điều 233 Bộ luật Hình sự”, luật sư Tuấn Anh cho biết.