Dân Việt

Dở khóc dở cười: Bán tôm phải... bốc thăm

24/08/2011 06:17 GMT+7
(Dân Việt) - Nhiều hộ trúng tôm tại thủ phủ tôm của ĐBSCL là Trà Vinh đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Để bán được tôm, họ phải vất vả “bắt số”, chờ dài cổ, thậm chí bị ép bán với giá thấp.

Những ngày qua, nhiều hộ đã thu hoạch tôm nuôi ở huyện Cầu Ngang hết sức bức xúc khi bán tôm cho Công ty CP Chế biến thủy sản Cửu Long. Đây là doanh nghiệp duy nhất ở tỉnh Trà Vinh xuất khẩu trực tiếp nguồn tôm đông lạnh, nên để bán tôm, họ phải buộc “bắt số” và chờ đến lượt như thời… bao cấp!

img
Không bán được tôm cho công ty, người dân Trà Vinh đem tôm ra đường bán lẻ.

“Bắt số” chờ bán tôm

Đang thu hoạch ao tôm, anh Nguyễn Minh Tâm (ấp Đồng Cò, xã Hiệp Mỹ Đông) không khỏi lo lắng khi đem tôm lên bán cho Công ty Cửu Long: “Bà con chúng tôi lo quá. Có tôm muốn bán được phải bắt số, chờ đợi thậm chí 2 ngày mới bán được. Giá tôm cũng xuống thấp so với thị trường. Đi bán tôm tưởng đâu là đi khám bệnh, phải “bắt số” của công ty rồi... chờ. Mà giá cũng giảm đi gần 20.000 đồng/kg so với các tỉnh khác. Như vậy, bình quân 1 tấn tôm, tụi tui mất đi gần 20 triệu đồng”.

Còn bà Phạm Thị Đời (ấp Đồng Cò), bức xúc cho rằng: “Công ty này của Nhà nước mà làm ăn kỳ quá. Khi biết năm nay, bà con thu hoạch tôm loại 30 con/kg nhiều thì sụt giá xuống. Còn loại tôm 15-20 con/kg thì nâng giá lên vài ngàn/kg, nhưng loại này làm gì có nhiều để bán!”.

Hiện nay, bà con nuôi tôm sú ở tỉnh Trà Vinh đang bước vào vụ thu hoạch rộ tôm nuôi. Theo báo cáo từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, vụ nuôi tôm sú năm nay toàn tỉnh đã có 26.440 lượt hộ thả nuôi gần 1,8 tỷ con giống, với diện tích 25.141ha mặt nước. Tính đến thời điểm giữa tháng 8, nông dân chỉ mới thu hoạch khoảng 60% diện tích tôm nuôi, nhưng sản lượng được hơn 13.030 tấn. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, bà con nuôi tôm trúng mùa tôm sú. Nhưng niềm vui trúng mùa không trọn vẹn…

Chính quyền… bó tay

Hiện nay, sản lượng tôm nuôi trên thị trường không đủ để cung cấp cho các nhà máy để chế biến xuất khẩu ở ĐBSCL. Thế nhưng người nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh lại phải quá vất vả mới bán được tôm nuôi và bị ép giá.

Ông Dương Tấn Đởm - Phó phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang, cho biết: “Nói chung thu tôm mà đi bán phải mất ít nhất 2 ngày, có khi phải qua đêm mới bán được. Bán tôm phải bắt số rồi mới bán được tôm, gây trở ngại, khó khăn cho bà con rất nhiều trong việc mua bán”. Theo ông Đởm, các cấp chính quyền tỉnh nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các nhà máy chế biến ngoài tỉnh cùng mua hết sản lượng tôm trong dân, tạo điều kiện cho dân tiêu thụ tốt vụ tôm.

img Đi bán tôm tưởng đâu là đi khám bệnh, phải “bắt số” chờ. img

Nông dân Nguyễn Minh Tâm

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, phản ứng của chính quyền địa phương quá chậm. Đúng ra phải theo dõi lịch thu hoạch, khả năng thu mua nguyên liệu của doanh nghiệp… để có kế hoạch mời gọi các doanh nghiệp khác hỗ trợ tiêu thụ từ đầu thay vì nước đến chân mới nhảy như lúc này.

Chiều 23.8, trao đổi với chúng tôi về tình trạng những ngày qua người dân bán tôm cho công ty phải bắt số xếp hàng chờ đợi, ông Nguyễn Văn Bang - Tổng Giám Công ty CP Chế biến thủy sản Cửu Long, thừa nhận là có chậm trễ trong việc thu mua tôm của nông dân. Việc bắt số để bán tôm là tạo ra sự công bằng, ai đến trước bán trước, ai đến sau bán sau nhưng do một số bà con “hiểu lầm” cứ nghĩ công ty làm khó (!). Còn mặt bằng giá thu mua tôm của công ty phải lệ thuộc vào đầu ra của thị trường. Hiện nay, giá tôm 30 con/kg, công ty vẫn mua giá 160.000 đồng/kg.

Ông Bang cũng lý giải: Hiện nay nông dân nuôi tôm đang thu hoạch rộ, bình quân mỗi ngày khoảng 100 tấn, từ đó dẫn đến quá tải cho công ty. Bởi lẽ, công suất thu mua mỗi ngày của công ty bình quân chỉ khoảng 60 tấn tôm. Công ty sẽ chỉ đạo và cố gắng bằng mọi cách thu mua tôm, không để bà con phải chờ đợi.