Một trong những thứ quần áo rách nát, tả tơi chúng tôi nhận được. Ảnh: Trần Dũng
Những ngày trở gió, khiến tôi nghĩ nhiều hơn đến những vùng bản xa xôi. Khốn khó, thiếu thốn đủ bề. Nơi có những em nhỏ phong phanh áo mỏng, chân trần đạp trên đất lạnh. Nơi những cụ già co ro bên bếp lửa mong sớm qua mùa rét “cắt da cắt thịt”.
Buổi chiều hôm ấy, một bà cụ tới tịnh thất trao cho thầy tôi (một vị sư hay làm từ thiện) vỏn vẹn 73.000 đồng. Bà khẩn khỏan: “Con biết thầy sắp lên vùng cao, con bán luống rau cải xìa được từng này. Của ít lòng nhiều, thầy hoan hỷ trao cho bà con trên đó giúp con”. Số tiền tuy nhỏ bé nhưng hành động tốt lành, chia sẻ yêu thương của cụ đẹp đẽ từ tấc lòng thành. Thầy tôi cầm mớ tiền lẻ của bà cụ rưng rưng cảm động!
Không thể tượng tượng nổi khi nhận được phần quà từ thiện này. Ảnh minh họa: I.T
Người xưa có câu “của cho không bằng cách cho”, nhà Phật có hai từ: “bố thí”. Bố thí trong nhà Phật không đơn giản chỉ là sự đem cho mà còn là sự trao gửi tấm chân tình. Việc làm có sự tôn trọng, cho đi có văn hóa. Buồn thay, bên cạnh những việc làm cao đẹp trong các hoạt động từ thiện, vẫn còn những hành động vô tâm làm đau lòng người.
Đận tháng 10, khi miền Trung ngập trong nước lũ, đồng bào khổ tận. Câu lạc bộ từ thiện chúng tôi tham gia đã 3 lần đến chia sẻ, hỗ trợ bà con. Mỗi chương trình, ngoài tiền mặt, lương thực chúng tôi còn mang đến cho bà con quần áo cũ (sạch sẽ, sử dụng được). Tuy nhiên, trước chuyến đi có những chiếc quần áo cáu bẩn, rách nát được gửi đến chỗ chúng tôi. Tất nhiên, những thứ phế phẩm này đều bị chúng tôi loại bỏ.
Mới đây, ở một nhóm hoạt động từ thiện khác do thầy tôi dẫn đường chuyện tương tự cũng xảy ra. Trong số những quần áo cũ đẹp đẽ, còn sử dụng tốt, nhóm cũng nhận được không ít món đồ rách nát, tơi tả như giẻ lau. Buồn! Nhưng chúng tôi luôn tin những việc này đến từ nguyên nhân khách quan. Đó là sự bất cẩn của của một số người.
Dẫu vậy, dù bất cẩn, đã cho thấy sự không tận tâm, không hết lòng trong việc cho đi…
Cháu phải mặc như thế nào với chiếc quần này? Ảnh minh họa. I.T
Cũng trong tháng 10, dư luận từng “nóng mặt” trước việc một đoàn khách đi du lịch Hà Giang ngồi trên xe ô tô ném kẹo cho những em nhỏ nơi biên viễn. Họ liên tục vứt kẹo qua cửa sổ ô tô khi xe đang chạy. Phía sau, những em bé người dân tộc đứa đứng nhặt, đứa chạy theo. Hành động trên gây nguy hiểm cho các em và những người tham gia giao thông quãng đường hôm ấy. Hơn hết, đó là sự phản cảm, vô tâm xét về khía cạnh văn hóa.
Thực tế tham gia các hoạt động từ thiện cho tôi nhận thấy có một số người chỉ đi làm từ thiện như sự a dua, “làm màu”. Mượn những chuyến thiện nguyện để đi chơi, chụp ảnh “khoe mẽ”. May mắn, số người như vậy không nhiều.
Hình ảnh đoàn khách du lịch ném kẹo cho trẻ em Hà Giang bị dư luận phê phán. Ảnh minh họa. I.T
Hẳn mọi người chưa quên, cách đây chưa lâu MC Tạ Bích Loan gây rúng động dư luận bằng câu hỏi: “Làm từ thiện để làm gì?”. Với mỗi người sẽ có câu trả lời riêng cho mình. Cá nhân tôi quan niệm, cuộc đời đâu phải chỉ trải đầy hoa hồng. Đâu phải ai sinh ra cũng có được cuộc sống giàu sang. Ai cố gắng cũng thành công, hạnh phúc. Có lẽ vì vậy, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” trong ca khúc bất hủ “Để gió cuốn đi”.
Sống trong đời, chúng ta không chỉ có trách nhiệm với bản thân, gia đình mà còn đó trách nhiệm với xã hội. Còn đó rất nhiều mảnh đời đau thương, bất hạnh cần sẻ chia, giúp đỡ…Giúp người là việc làm tốt đẹp nhưng xin hãy tận tâm, tận tình. Đừng để những chuyến xe chở yêu thương và tình người biến thành những chuyến xe chở rác và sự vô tâm…
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tít do Dân Việt đặt lại.