Mới nhất là quyết định thay chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB). Theo đó, bà Trần Hải Anh (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng) giữ chức Chủ tịch HĐQT thay cho ông Vũ Hồng Nam.
Sinh năm 1967, bà Trần Hải Anh có 24 năm kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức uy tín trong và ngoài nước, trong đó có hơn 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng.
Bà Trần Hải Anh từng giữ chức Tổng giám đốc NCB giai đoạn từ tháng 02.2014-12.2015 và sau đó là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT NCB.
Ồ ạt thay tướng
Cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) cũng vừa chính thức bổ nhiệm ông Lê Xuân Vũ chính thức làm tổng giám đốc sau 6 tháng khuyết tổng giám đốc.
Hồi đầu tháng 5, VietABank bất ngờ thông báo miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với bà Phương Thanh Nhung và bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Hảo giữ chức vụ Phó tổng giám đốc điều hành kể từ ngày 6.5.2016.
Cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Nam, Quyền Tổng giám đốc giữ chức vụ Tổng giám đốc PVcomBank từ ngày 21.11.2016.
Trước đó, VietCapital Bank cũng đã bổ nhiệm ông Ngô Quang Trung, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc VietCapital Bank kể từ ngày 8.6.2016. Ông Trung được bổ nhiệm thay ông Đỗ Duy Hưng, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc.
Tháng 4 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) NamABank cũng đã bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Quốc Toàn làm Chủ tịch HĐQT. Như vậy, sau 9 tháng rời “ghế nóng” (ông Toàn xin từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Nam A Bank tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường tháng 7.2015), ông Toàn đã quay trở lại điều hành NamABank.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng có sự biến động nhân sự như Eximbank, SeABank, BIDV… Ngành ngân hàng đang ở giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc và làn sóng mua bán - sáp nhập lĩnh vực này được nhận định sẽ chưa hết nóng. Vì thế, các chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, nhân sự trong ngành ngân hàng sẽ còn nhiều biến động.
Tham vọng của ngân hàng nhỏ
Mỗi ngân hàng đều có lý do riêng của họ về việc thay đổi lãnh đạo điều hành. Tuy nhiên, cách thức lựa chọn Tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT của các ngân hàng đều phụ thuộc vào nhu cầu cũng như mục đích kinh doanh của các ông chủ, bà chủ ngân hàng và các nhóm cổ đông lớn. Do vậy, với những ngân hàng nhỏ, vừa trải qua giai đoạn tự tái cơ cấu, cần phải tạo được sự bứt phá trong hoạt động kinh doanh, nên cũng phải có sự thay đổi về nhân sự cho phù hợp.
Với kết quả này, nhất là với một ngân hàng vừa trải qua giai đoạn tự tái cơ cấu như NCB không phải là tệ. Nhưng có lẽ, với ông chủ ngân hàng này, đây chưa phải là kết quả tốt nhất mà họ mong muốn.
Tham vọng của VietABank có lẽ rõ ràng hơn. Việc bổ nhiệm ông Lê Xuân Vũ làm tổng giám đốc cũng với mong muốn vực dậy ngân hàng này. Ông Vũ đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, từng làm việc tại nhiều tổ chức tài chính uy tín, như HSBC, McKinsey, Techcombank, Hdbank… Trước khi gia nhập VietAbank, Ông Lê Xuân Vũ từng giữ vị trí phó tổng giám đốc HDBank và phó tổng giám đốc Techcombank.
VietABank hy vọng ông Vũ lên nắm quyền điều hành sẽ cải thiện được kết quả kinh doanh. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietABank chỉ vỏn vẹn 100 tỷ đồng, trong khi trích lập dự phòng rủi ro lên tới 203 tỷ đồng.
Còn với PVcomBank, việc bổ nhiệm ông Nam làm tổng giám đốc với kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa các chiến lược đã đề ra, đưa PVcomBank bứt phá và phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Được biết, ông Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1975) đã từng đảm nhiệm các vị trí chủ chốt tại PVcombank như Phó Tổng giám đốc thường trực, Quyền Tổng giám. Trước đó, ông cũng từng là Trưởng Ban chiến lược và đổi mới doanh nghiệp của Tổng công ty tài chính Dầu Khí, Giám đốc Trung tâm giao dịch Hội sở, Giám đốc Ban Tín dụng… Và ông Nam trải qua nhiều vị trí lãnh đạo tại TechcomBank và Tổng công ty khai thác cảng Hàng không miền Bắc.
Vẫn cần thời gian để kiểm nghiệm kết quả thay tướng này có tạo được sự đột phá cho những ngân hàng này không, nhưng đã đến lúc những ngân hàng nhỏ cần phải tạo được điểm nhấn trong hoạt động kinh doanh của mình trước xu hướng hội nhập và canh tranh ngày càng gay gắt.