Dân Việt

Giải mã âm thanh "ma quái" ở vực thẳm sâu nhất Trái đất

Đăng Nguyễn - Science Alert 20/12/2016 18:55 GMT+7
Vực thẳm Mariana sâu nhất Trái đất tưởng chừng như không thể tồn tại sự sống nhưng phát hiện mới nhất của các nhà khoa học đã chứng minh điều ngược lại.

Âm thanh kỳ lạ mà các nhà khoa học thu được ở vực thẳm Mariana.

Theo Science Alert, các nhà khoa học đã phân tích nguồn âm thanh vang lên từ vực thẳm Mariana và phát hiện ra điều bất ngờ.

Đoạn ghi âm dài 3,5 giây do một thiết bị tự hành ghi lại dưới vực thẳm Mariana, được cho là một loại tiếng kêu mới của cá voi tấm sừng hàm. Đây là phát hiện mang tính đột phá nhưng các nhà nghiên cứu chưa hiểu được âm thanh như vậy mang ý nghĩa gì.

"Tiếng kêu rất khác biệt và có phần điên rồ. Tiếng rên tần số thấp là tiếng kêu đặc trưng của cá voi tấm sừng hàm và âm thanh này rất độc đáo”, nhà nghiên cứu Sharon Nieukirk thuộc trường Đại học Oregon (Mỹ) nói.

Ngoài âm thanh được cho là của cá voi tấm sừng hàm, đoạn ghi âm cũng thu được tiếng động lạ gồm 5 đặc điểm âm thanh khác nhau: từ tiếng kim loại đến tiếng kêu sinh học.

img

Mariana là vực thẳm sâu nhất dưới đáy biển ở Thái Bình Dương.

Tần số âm thanh thấp ở mức 38 hertz và cao là 8.000 hertz. Tai người nghe được âm thanh tần số từ 28 hertz đến 20.000 hertz. Âm thanh lạ phát ra không phải từ con người hay địa chất, Nieukirk và nhóm nghiên cứu khẳng định.

Âm thanh tần số thấp không phải là tiếng động đất, băng tuyết đứt gãy hay âm thanh phát ra từ những con tàu. Có thể tiếng động có nguồn gốc sinh học phức tạp hơn thế, nhóm nghiên cứu nhận định.

Âm thanh được thu lại nhờ robot lặn biển tự động, có thể lặn sâu tới 1.000 m dưới mặt nước. Nieukirk và nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu âm thanh vào mùa thu năm 2014 và 2015 tại vùng biển phía đông Guam, quanh đáy vực Mariana, nơi sâu nhất Trái đất.

img

Hình ảnh mô phỏng 5 loại âm thanh khác nhau mà robot lặn biển thu được.

Trong khi tiếng động này vẫn là bí ẩn với giới khoa học, nhóm nghiên cứu của Sharon Nieukirk đã nhận ra tiếng động lạ như vậy từng xuất hiện ở Rặng san hô lớn, thuộc Úc.

Tuy nhiên, cá voi tấm sừng hàm chỉ gọi bạn tình trong mùa đông, còn tiếng kêu mà các nhà khoa học phân tích lại vang lên quanh năm.

Nếu là tiếng gọi bạn tình, vì sao chúng lặp lại theo chu kỳ quanh năm. Đây cũng là điều bí ẩn. Nieukirk nói. “Chúng tôi cần xác định tiếng kêu trong mùa đông trái ngược với mùa hè thế nào và âm thanh vang rộng bao xa”.

Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể mở cuộc thám hiểm mới trong tương lai, để giải mã được rõ ràng hơn những âm thanh kỳ lạ này.