Từ cấp thành phố xuống cấp quận
Ngày 28.9.2016, TTGDTX Hà Tây nhận được Quyết định số 5399 của UBND TP. Hà Nội trong đó có nội dung sáp nhập TTGDTX Hà Tây và Trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông, trực thuộc quận Hà Đông.
Một trung tâm khác có quy mô tương tự và cũng thuộc cấp quản lý của TP. Hà Nội là TTGDTX Đông Anh cũng chịu cảnh tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc đang từ cấp thành phố, bộ máy tổ chức của hai đơn vị này bị “giáng cấp” xuống quận.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Hữu Hùng - nguyên Giám đốc TTGDTX Hà Tây (TP. Hà Nội), Ủy viên Câu lạc bộ cán bộ quản lý các TTGDTX cấp tỉnh (thành phố) trong cả nước - cho biết, quyết định của TP.Hà Nội đang khiến đơn vị này như “ngồi trên đống lửa”.
Công văn mời họp của Sở Nội vụ Hà Nội đối với các bên liên quan xung quanh việc sáp nhập TTGDTX Hà Tây.
Ông Hùng cho biết, theo ông, Quyết định số 5399 của TP. Hà Nội có nhiều điểm vi phạm so với pháp luật hiện hành mà trong đó, cái sai dễ thấy nhất sai Luật Giáo dục.
“Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi 2009) và nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2.8.2006 của chính phủ quy định: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một TTGDTX cấp tỉnh. Như vậy nếu đưa 2 TTGDTX Hà Tây và Đông Anh, vốn là TT cấp tỉnh, thành phố sáp nhập về cấp Quận thì trên địa bàn TP. Hà Nội không còn Trung tâm cấp tỉnh, thành phố. Điều này rõ ràng không đúng với Luật giáo dục và Nghị định của Chính phủ” – ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, có thể một trong các lý do để thành phố Hà Nội ban hành quyết định 5399 dựa vào Thông tư liên tịch số 39/2015 của liên Bộ GD&ĐT và LĐ-TB&XH và Nội vụ, hướng dẫn việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Tuy nhiên, ông Hùng phản biện, trong các văn bản còn chưa ráo mực của Hà Nội như Nghị quyết 08/2016 (ký ngày 2.8.2016) của HĐND và Quyết định 41/2016 (ký ngày 19.9.2016) của UBND thì các TTGDTX cấp thành phố nằm trong các đối tượng được đầu tư dây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo…
Ngoài ra, ông Hùng cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể để khẳng định, cả TTGDTX Hà Tây và Đông Anh đều đang hoạt động hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ. Ở thời điểm hiện tại, nếu Quyết định trên được áp dụng, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước sạch bóng TTGDTX cấp tỉnh, thành phố. Trong khi đó, tại một đô thị lớn khác là TP .HCM có tới 6 cơ sở như vậy.
Mời luật sư vào cuộc
Cũng thông tin tới Dân Việt vào sáng nay (20.12), bà Khuất Thị Hoa Oanh – Giám đốc TTGDTX Hà Tây (TP. Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã chuẩn bị tất cả các tài liệu liên quan đến vụ việc để chuẩn bị cho cuộc họp sẽ được diễn ra vào chiều 21.12, tại trụ sở Sở Nội vụ Hà Nội.
Bà Oanh cho biết, buổi họp vào chiều mai là buổi họp giải quyết kiến nghị chứ không phải là bàn giao như 5 lần trước đó bởi các lần đó đều gặp bế tắc.
“Ngày 14.12, Sở Nội vụ gửi một công văn hỏa tốc tới trường chúng tôi cùng 5 đơn vị khác nữa, mời đến để họp bàn giải quyết các kiến nghị trước đó của TTGDTX Hà Tây với Quyết định 5399. Công văn cũng ghi rõ, là thực hiện theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP. Hà Nội. Tuy nhiên lịch họp sau đó được đổi sang 14h chiều 21.12” – Giám đốc TTGDTX Hà Tây cho biết.
Các cán bộ TTGDTX Hà Tây đang đứng ngồi không yên kể từ khi nhận được quyết định từ thành phố Hà Nội.
Bà Oanh cũng thông tin thêm, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trung tâm, lãnh đạo trung tâm đã quyết định mời 2 luật sư của đoàn Hà Nội vào tổ tư vấn pháp lý. Cùng với đó, ủy quyền cho một người làm đại diện, là luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa.
Xác nhận thông tin tham gia tư vấn pháp lý và là đại diện pháp luật cho TTGDTX Hà Tây, luật sư Quách Thành Lực cho biết sẽ làm hết sức mình vì sự công bằng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc này.