Vốn nghề từ thuở nhỏ
Chia sẻ về việc gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, bà Giôn cho biết, ở khu vực bà sinh sống trước đây có nhiều người làm nghề dệt thổ cẩm. Riêng gia đình bà có mẹ, bà ngoại tay nghề giỏi, nên ngay từ nhỏ bà đã sớm được tiếp xúc, truyền dạy nghề. Nhờ chịu khó nên càng ngày tay nghề của bà càng được nâng cao. Nhiều sản phẩm dệt do mà làm ra mang nét tinh xảo của các hoa văn, đường nét truyền thống.
Bà Thị Giôn và sản phẩm thổ cẩm truyền thống dân tộc S’tiêng do cơ sở của mình sản xuất ra. Ảnh: Q.T
Năm 2015 bà Thị Giôn được Hội Liên hiệp Phụ nữ Bình Phước giới thiệu là đại biểu điển hình của phụ nữ dân tộc thiểu số của tỉnh tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Năm 2016, bà vinh dự được bầu chọn là 1 trong những Công dân Ưu tú tỉnh Bình Phước. |
“Tuy nhiên, tôi luôn trăn trở khi thấy theo thời gian nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình đang ngày càng bị mai một bởi thanh niên trong ấp theo xu hướng sử dụng trang phục hiện đại. Sản phẩm dệt bị thu hẹp nguồn tiêu thụ nên nhiều phụ nữ S’tiêng đã bỏ nghề để đi làm rẫy, buôn bán... Đó là lý do tôi luôn suy nghĩ làm sao để giữ nghề truyền thống, vừa mang lại thêm thu nhập cho chị em...” - bà Thị Giôn thổ lộ.
Năm 2010, để biến trăn trở của mình thành hiện thực, bà Thị Giôn mạnh dạn thành lập cơ sở dệt may các loại trang phục thổ cẩm. Đây được xem là cơ sở dệt thổ cẩm S’tiêng đầu tiên tại huyện Hớn Quản. Cũng từ đây bà có cơ sở để vận động các phụ nữ S’tiêng giữ nghề truyền thống của dân tộc. Bà Giôn chia sẻ: “Tôi đã vận động từng chị em trong ấp giữ nghề truyền thống độc đáo của dân tộc. Bản thân tôi tự nguyện mở các lớp truyền dạy nghề miễn phí cho chị em nên được nhiều người theo”.
Hỗ trợ phát triển nghề truyền thống
Nhờ tâm huyết và tay nghề, cơ sở dệt, may trang phục truyền thống của bà Giôn ngày càng làm ra nhiều sản phẩm khéo léo, độc đáo, thu hút sự quan tâm của khách hàng. Công sức của bà cũng được đền đáp khi sản phẩm thổ cẩm của cơ sở được chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bình Phước năm 2012. Bản thân bà được UBND tỉnh Bình Phước công nhận là nghệ nhân. Điều này càng giúp bà và nhiều phụ nữ S’tiêng khác yên tâm giữ nghề.
Năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bình Phước thực hiện đề án “Hỗ trợ đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho người dân tộc S’tiêng” ở xã Thanh An, bà Giôn đã vận động nhiều người theo học. Chính bà là người đứng lớp dạy nghề với số lượng học viên ban đầu là 32 phụ nữ S’tiêng. Chỉ sau 2 tháng, các học viên đã dệt, may được các sản phẩm thổ cẩm như váy, áo, khăn, xà rông, túi xách, mền đắp, khăn trải bàn… Bà cũng hướng dẫn học viên làm ra những sản phẩm có những chi tiết độc đáo, tinh tế, cách tân nhưng vẫn đảm bảo giữ được nét truyền thống của người S’tiêng. Tổng cộng đến nay, bà đã truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho hàng trăm lượt người ở địa phương.
Không chỉ vậy, cơ sở dệt thổ cẩm của bà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 20 phụ nữ S’tiêng. Nhiều người không có điều kiện tham gia, bà Giôn tạo điều kiện để chị em dệt tại nhà. Sau đó bà đi thu gom, mua lại. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, bà Giôn đã chủ động liên hệ với các siêu thị, hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Nhờ vậy sản phẩm thổ cẩm S’tiêng của bà hiện không chỉ được bán ở trong tỉnh mà còn đã được xuất đi nhiều địa phương khác như Bình Thuận, Bạc Liêu, Đăk Nông…
Bà Giôn tâm sự: “Bản thân tôi cũng đã đi nhiều địa phương để học hỏi, tham khảo nghề và sản phẩm dệt thổ cẩm từ các dân tộc khác. Qua đó, tôi nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc S’tiêng...”.