Ngày 19.12.2016, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Có thể nói, đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân.
Trong đó, nêu rõ: Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác,... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi;
Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hoá mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Nghiêm cấm việc lợi dụng để "biếu xén", đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, "chè chén" xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.
Khi có đoàn công tác đến, địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí.
Lâu nay việc cán bộ, đảng viên lợi dụng sinh nhật, cưới hỏi, ma chay, thăng hàm, thăng chức … để trục lợi là một thực tế đang diễn ra. Đó là sự tha hóa, biến tướng của tham nhũng, làm mất niềm tin của nhân dân. Bởi vậy yêu cầu của Bộ Chính trị nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác, tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng đó.
Tuy nhiên, thời gian qua, chế tài trong quy định này đối với người vi phạm còn chung chung và còn quá nhẹ. Với những trường hợp nghiêm trọng, lợi dụng tổ chức tiệc tùng ăn mừng nhằm lấy tiền "đút lót" thì không chỉ phê phán mà phải kỷ luật mới thỏa đáng.
Lấy ví dụ, một trường hợp được thăng chức, bổ nhiệm, bạn bè, đồng nghiệp tới chúc mừng, việc chia vui đơn thuần bằng những bó hoa hay những món quà mang ý nghĩa tình cảm, ít có giá trị về vật chất thì không nói làm gì, thế nhưng với những trường hợp cấp dưới, đối tác tới chúc mừng cấp trên thăng chức mà kèm theo phong bì “nặng trịch” (hoặc cái cặp…) thì rõ ràng là “có vấn đề”. Trong trường hợp này, phải làm rõ. Cái khó là ai làm rõ. Cho nên rất cần những quy định cụ thể, tức là phải có chế tài rõ ràng.
Để chủ trương này đi vào cuộc sống, Ban Bí thư chỉ đạo Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng và các cơ quan hữu quan thể chế hóa thành những quy định rất cụ thể về nội dung, trình tự, thủ tục để giám sát và xem xét kỷ luật.
Thứ nữa, trước đây, đã có Quy định số 181-QĐ/TW “Xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”. Quy định này đã nêu khá cụ thể trình tự, thủ tục xử lý đảng viên vi phạm, do đó nên phối hợp những quy định trong 2 văn bản này để việc xử lý vừa chặt chẽ vừa thống nhất.
Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị, thực chất là chống tham nhũng và thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; do đó không chỉ đảng viên phải thực hiện mà toàn dân phải thực hiện.
Vì thế, với nội dung này của Đảng, Chính phủ cần cụ thể hoá thành Nghị định hoặc cao hơn nữa, tốt nhất là Quốc hội có văn bản pháp luật (Luật hoặc Nghị quyết). Nói như vậy, vì đây là vấn đề nóng, mọi người quan tâm, nên cần phải làm đến nơi đến chốn.
Và cuối cùng, cần tiếp tục tạo cơ chế để nhân dân tham gia giám sát và tạo điều kện cho báo chí vào cuộc quyết liệt (tất nhiên phải chính xác).
Đây là vấn đề tưởng là nhỏ nhưng không nhỏ chút nào và lại rất khó. Chính vì thế cần thực hiện tinh thần của lời dạy của Bác Hồ: Nghị quyết là một, kế hoạch phải là năm, tổ chức thực hiện phải là mười.