Sau khi niêm yết trên Upcom, room cho nhà đầu tư nước ngoài của VIB chỉ còn 0,5%
“Hẹp cửa” với nhà đầu tư ngoại
Dự kiến vào đầu năm 2017, VIB sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.
Tuy nhiên, ngay sau khi niêm yết, room cho nhà đầu tư nước ngoài gần như sẽ đầy. Hiện cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia đang nắm 20% cổ phần VIB. Do VIB đã quyết định chốt room cho khối ngoại ở mức 20,5% nên room còn lại dành cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn 0,5% số lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương 2,82 triệu đơn vị. Có lẽ VIB muốn để dành 9,5% cổ phần để chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư tài chính tiềm năng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vừa được Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam chấp thuận đăng ký giao dịch tập trung 887,80 triệu cổ phiếu trên Upcom với mã chứng khoán là TCB. Tuy nhiên, cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của ngân hàng này cũng rất ít. Hiện HSBC đang là đối tác chiến lược nắm 19,41% cổ phần tại Techcombank.
Theo quy định hiện nay, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài áp dụng chung cho các ngân hàng là tối đa 30%, do vậy, room cho nhà đầu tư nước ngoài của Tecombank còn lại cũng chỉ hơn 10%.
Với ngân hàng đang niêm yết như MB nhà đầu tư nước ngoài cũng đã lấp đầy ngay sau khi room được nới thêm lên 20%. Còn ngân hàng khác như Vietcombank, Vietinbank muốn nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên trên 30% như quy định hiện hành cũng khó vì còn đợi ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong số 3 ngân hàng sắp niêm yết trên sàn Upcom tới đây, có lẽ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) là còn nguyên room cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu ngân hàng này không “khoá” lại để dành cho đối tác chiến lược.
Thiếu động lực vốn để đẩy mạnh tái cơ cấu
Được đánh giá là ngân hàng tốt thuộc một trong những NHTM cổ phần nhóm 2 lớn nhất, nhưng Techcombank cũng có những yếu điểm của mình, đó là rủi ro do tập trung cho vay tiêu dùng, đặc biệt là cho vay mua nhà cộng với những rủi ro tập trung về tín dụng có thể tiềm ẩn.
9 tháng đầu năm nợ xấu của Techcombank là 2.458 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2015 là 1.862 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 là 1.438 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với cuối năm 2015.
Ngoài ra, Techcombank còn thiếu động lực để đẩy giá cổ phiếu. Hiện cổ phiếu TCB gần đây giao dịch xung quanh 11.000đ/cổ phiếu trên thị trường OTC.
Cũng với rủi ro về cho vay tiêu dùng, báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của VPBank cho thấy nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro đang là vấn đề của ngân hàng này. Theo đó, 9 tháng đầu năm, nợ xấu riêng ngân hàng VPBank ở mức 2.383 tỷ đồng, chiếm 2,35% tổng dư nợ cho vay. Đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu tại công ty con của VPBank, công ty tài chính FE Credit chiếm 5,69%, với 1.629 tỷ đồng nợ xấu. Tính chung, tổng quy mô tổng nợ xấu của VPBank hợp nhất ở mức hơn 4.012 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,09%. Xét về kết quả hợp nhất thì đây là ngân hàng thứ hai sau Eximbank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số hơn chục nhà băng đã công bố minh bạch số liệu.
Cùng với đó là gánh nặng từ chi phí dự phòng. 9 tháng đầu năm, VPBank đã dùng 3.959 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, tăng 61% so với cùng kỳ và "ngốn" nửa già lợi nhuận thuần của ngân hàng này.
Sau cuộc chia tay đình đám của nhà đầu tư nước ngoài là Ngân hàng Singapore Oversea - Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) với thương vụ thoái toàn bộ hơn 85,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,88% vốn tại VPBank hồi cuối năm 2013, đến nay, ngân hàng này vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu VPBank không khoá room, nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội đầu tư vào ngân hàng này và dòng tiền mới có thể sẽ là động lực giúp ngân hàng này đẩy mạnh tái cơ cấu.
Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều tăng lên. 9 tháng đầu năm ghi nhận tổng nợ xấu của 11 ngân hàng là 47.946 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn là 27.480 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng số nợ xấu.
Rõ ràng, việc hạn chế tỷ lệ room ngoại đang cản trở sức hấp dẫn của ngành ngân hàng đối với nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào ngành này tại Việt Nam. Quan trọng hơn, thiếu dòng vốn ngoại, các ngân hàng niêm yết cũng thiếu động lực để đẩy mạnh tái cơ cấu, đặc biệt là dòng vốn để xử lý nợ xấu, nâng hệ số an toàn vốn tối thiếu (CAR), áp dụng Basel II…