Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%.
Lý giải việc chia cổ tức năm 2015 tỷ lệ 7% bằng tiền mặt, trong tờ trình ký ngày 20.12.2016, HĐQT VietinBank cho biết là nhằm thực hiện chỉ đạo do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Với mức cổ tức này, VietinBank sẽ chi trả cho cổ đông hơn 2.606 tỷ đồng. Cổ đông Nhà nước với tỷ lệ sở hữu 64,46% sẽ nhận về khoảng 1.680 tỷ đồng.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông năm 2016 của VietinBank đã thông qua việc không chia cổ tức trong năm 2015 nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của VietinBank, đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Với quyết định chi tiền mặt trả cổ tức, Vietinbank buộc phải cấp tập tăng vốn cấp 1 và cấp 2 để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sẽ giảm gần mức tối thiểu theo yêu cầu của cơ quan quản lý là 9%.
Để tăng vốn cấp 1, Vietinbank đang đẩy nhanh tiến độ để sáp nhập với PGBank trong những tháng đầu năm 2017. Sau khi sáp nhập, Vietinbank sẽ có thêm 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ.
Ngoài ra, Vietinbank đang xin nới room nhà đầu tư nước ngoài để tăng vốn. Hiện room nhà đầu tư nước ngoài đã đầy ở gần 30% và tỷ lệ sở hữu Nhà nước là 64,46%, VietinBank sẽ không thể phát hành thêm cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước (trừ khi nhà nước cho phép nới các giới hạn này) để thực hiện tăng vốn.
Trước mắt, VietinBank chỉ có thể thực hiện tăng vốn cấp 2 bằng cách phát hành trái phiếu. Với tỷ lệ vốn cấp 2/vốn cấp 1 hiện ở mức 38% (tối đa là 50%), VietinBank có thể tăng vốn cấp 2 trong ngắn hạn bằng cách phát hành trái phiếu.
Nếu không nâng vốn, tăng trưởng tín dụng của VietinBank (tại thời điểm tháng 9.2016 thị phần cho vay của VietinBank là 12,10%) có thể sẽ bị hạn chế đáng kể trong nửa đầu 2017 cho đến khi có thể tăng vốn thành công.