Dân Việt

Xăng tăng, giá nhiều mặt hàng cũng sẽ tăng?

Hoàng Thắng 21/12/2016 14:43 GMT+7
Việc liên bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh tăng giá đồng loạt tất cả các mặt hàng xăng dầu thêm từ 600 tới 900 đồng/lít được dự báo sẽ tạo ra hệ lụy ảnh hưởng tới giá cả của nhiều mặt hàng tiêu dùng khi Tết đã cận kề.

img

Hôm qua, liên bộ Tài chính - Công thương đã điều chỉnh tăng giá đồng loạt tất cả các mặt hàng xăng dầu thêm từ 600 - 900 đồng/lít

Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Phong xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, gần đây có một số ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá xăng sau khi có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhằm không gây ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát. Xin ông hãy chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?

- Tôi cho rằng đây chỉ là một ý kiến bởi giá xăng dầu đã tăng liên tục 4, 5 lần trong năm nay. Việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu cũng dựa theo sự thay đổi của giá xăng dầu trên thị trường Thế giới chứ không phải chờ tới khi tính toán xong chỉ số lạm phát mới điều chỉnh tăng.

Chỉ số lạm phát được tính toán hàng tháng, nếu giá xăng dầu tăng trong tháng này thì chỉ số lạm phát sẽ được tính sang tháng sau. Vậy nên, việc tăng giá xăng dầu vẫn sẽ gây ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát. Quan điểm cho rằng việc điều chỉnh giá xăng sau khi có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhằm không gây ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát chỉ là một quan điểm mang tính chất về mặt logic, hình thức mà thôi.

Thưa ông, ngày hôm qua (20.12), liên bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh tăng giá đồng loạt tất cả các mặt hàng xăng dầu thêm từ 600 tới 900 đồng/lít. Liệu điều chỉnh tăng giá lần này có tác động đến giá cả hàng hóa cuối năm, khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên?

- Chắc chắn sự điều chỉnh tăng giá lần này sẽ tạo tác động tới giá cả của nhiều mặt hàng tiêu dùng bởi xăng dầu là chi phí đầu vào của rất nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp theo, chi phí xăng dầu là loại chí phí dịch vụ cơ bản, được tính vào chi phí vận chuyển. Việc tăng giá xăng dầu sẽ làm thay đổi chi phí dịch vụ vận chuyển. Cuối cùng, việc điều chỉnh giá xăng dầu cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng tới tâm lý chung của thị trường. Giá xăng dầu tăng thì giá của nhiều mặt hàng khác cũng sẽ tăng theo.

Với việc giá xăng RON 92 tăng gần 1.000 đồng/lít trong lần điều chỉnh giá vừa rồi. Theo ông, liệu có điểm gì bất hợp lý trong việc quản lý giá xăng dầu hiện nay?

- Hiện nay, tôi chưa phát hiện thấy điểm gì bất hợp lý trong việc quản lý giá xăng dầu cả bởi trong thời gian qua, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới có tăng lên. Việc điều chỉnh mức tăng giá xăng dầu trong nước có tương xứng với mức tăng giá xăng dầu trên thị trường Thế giới hay không thì chúng ta cần tính toán kỹ lưỡng. Nhưng chắc chắn việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước lần này là cùng xu hướng với việc tăng giá xăng dầu trên Thế giới. Ở đây, không chỉ có vấn đề giá, mà xăng dầu thành phẩm trên Thế giới khi nhập về Việt Nam còn tính thêm thuế và các chí khác.

Đặc biệt, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cam kết điều chỉnh sản lượng, giá dầu Thế giới đã tăng lên. Dự kiến sang năm, giá dầu Thế giới sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Thưa ông, trong thời gian sắp tới chúng ta có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay nên mạnh dạn bỏ Quỹ để giá theo đúng quy luật thị trường?

Từ lâu, tôi đã có ý kiến là cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu bởi sự tồn tại của quỹ này thời gian qua không mang lại bất kỳ tác dụng nào cho thị trường. Quỹ này chỉ khiến chi phí trung gian tăng lên và làm nhiễm giá thị trường.

Sự tồn tại của Quỹ này dễ tạo ra kẽ hở cho tham nhũng và làm nhiễu tín hiệu thị trường. Trong khi đó, định hướng quản lý là phải hướng tới giá trị trường.

Xin cảm ơn ông!