Dân Việt

Nuôi lươn không bùn: Đầu tư ít, hiệu quả cao, mỗi năm thu 100 triệu

Hân Minh 22/12/2016 13:00 GMT+7
Nhu cầu tiêu thụ lươn trên thị trường ngày càng cao, giá bán cao và khá ổn định ở mức 150 - 200 nghìn đồng/kg nên hiện có nhiều hộ gia đình ở Hải Phòng chuyển sang nuôi lươn không bùn.

Đây là đối tượng nuôi mới và cách thức nuôi mới tại nhiều địa phương.

img

 Bể nuôi lươn của gia đình anh Phong, xã Trường Thọ, huyện An Lão  

Hộ anh Trần Văn Phong ở thôn Liễu Dinh (xã Trường Thọ, huyện An Lão) có 60m2 bể xi măng nuôi lươn không bùn. Anh Phong thả lươn với mật độ trung bình 100 con/m2. Tỷ lệ sống đạt gần 80%. Sau hơn 4 tháng, 4 nghìn con lươn giống cỡ 8 - 10g/con đạt trọng lượng 30 - 70g/con, 2 nghìn con lươn giống cỡ 25 - 35g/con đạt trọng lượng 100 - 170g/con. Một đợt nuôi, chủ nhân thu về gần 400kg lươn thương phẩm, thu lãi trên 40 triệu đồng.

Theo người nuôi, lươn được cho ăn hỗn hợp gồm cua, cá tạp, ốc bươu vàng nấu chín trộn với một ít thức ăn công nghiệp. Tính toán cho thấy, cứ đầu tư khoảng 3,5kg thức ăn cho 1kg lươn thương phẩm. Lươn đồng không tốn nhiều diện tích, không cần nhiều vốn đầu tư, công trình nuôi đơn giản, trong khi lợi nhuận cao lên đến 44%.

Tại huyện Kiến Thụy, gia đình ông Ngô Phan Định ở thôn Phong Quang (xã Đại Đồng) cũng rất thành công với phương thức nuôi mới này. Ông Định đang nuôi cá chuyển sang nuôi lươn vì nhận thấy nhu cầu thị trường lớn mà nguồn cung ít. Lúc đầu, gia đình ông nuôi lươn trong ao đất nhưng hiệu quả không cao, tốn nhiều công chăm sóc. Khi biết đến mô hình nuôi lươn không bùn, ông bắt đầu nuôi thử nghiệm 4.500 con lươn giống cấp 2 trong 45m2 bể xi măng.

Quá trình chăm sóc 5 tháng cho thấy lươn sống tốt trong bể. Tỷ lệ sống đạt gần 100%, trung bình mỗi con nặng tới 200 - 250g. Với giá bán 150 nghìn đồng/kg, ông hết sức phấn khởi với số lãi thu được. Sau đó, ông Định tiếp tục mở rộng quy mô nuôi. Đến nay, mỗi năm ông Định thu hoạch gần 2 tấn lươn thương phẩm, trong đó mỗi đợt nuôi, ông thu về gần 100 triệu đồng với gần 700kg lươn cung cấp cho thị trường.

Do lươn ưa bóng mát nên ông Định còn kết hợp trồng gấc quanh bể nuôi để vừa tạo bóng mát cho lươn, vừa tận dụng diện tích, tăng thu nhập.

Không dừng lại ở nuôi thương phẩm, ông Định còn cho lươn sinh sản nhân tạo để chủ động được nguồn giống và cung cấp giống lươn cho người nuôi quanh vùng. Mỗi năm ông bán 800kg lươn giống, thu lãi gần 150 triệu đồng.

Mô hình nuôi lươn không bùn đang mở ra một hướng đi mới cho nông dân nhiều địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.