Một nhà khoa học NASA cảnh báo sao chổi có thể phá hủy Trái Đất nhiều hơn thiên thạch
Một nhà khoa học NASA gần đây cảnh báo rằng sao chổi bay qua Hệ Mặt Trời có thể nguy hiểm hơn cả thiên thạch – những hành tinh nhỏ luôn được coi là mối nguy hiểm với sự sống trên Trái Đất. Một sao chổi đâm vào Trái Đất có thể phá hủy nhiều hơn thiên thạch, thậm chí có nguy cơ gây ra mức tuyệt chủng chưa từng thấy trong hàng chục triệu năm.
Theo Live Science, lời cảnh báo của các nhà khoa học NASA không chỉ dừng lại ở việc Trái Đất chưa sẵn sàng để phòng vệ trước một thiên thạch. Hơn thế, nhà khoa học NASA con nhận định va chạm của các sao chổi có khả năng gây ra những rủi ro lớn hơn cho hành tinh xanh. Một vụ va chạm của sao chổi thậm chí có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của phần lớn, hoặc tất cả các sinh vật sống chính trên Trái Đất.
Nhà khoa học NASA, Tiến sĩ Joseph Nuth đến từ Trung tâm không gian Goddard ở Greenbelt, Maryland, cho rằng các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách nên mở rộng danh sách các vật thể bay qua Hệ Mặt Trời có nguy cơ phá hủy Trái Đất.
Một vụ va chạm của sao chổi thậm chí có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của phần lớn, hoặc tất cả các sinh vật sống chính trên Trái Đất
Trong cuộc họp báo của Liên minh Địa vật lý Mỹ (AGU) tổ chức tại San Francisco, ông nói rằng sao chổi là một mối đe dọa luôn hiện diện. Đã đến lúc sao chổi cần được xem xét khi nhắc đến việc bảo vệ Trái Đất khỏi các tác động ngoài hành tinh, theo Nuth. "Sao chổi hầu hết đều bị bỏ qua bởi những người quan tâm đến bảo vệ hành tinh”.
Một trong những lý do chính khiến sao chổi không được chú ý nhiều là bởi nhiều người suy nghĩ rằng ít có khả năng ngăn chặn được sao chổi, theo nhà khoa học. Việc này xuất phát từ thực tế các nhà khoa học gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện và theo dõi sao chổi.
"Sao chổi hầu như xuất hiện rất bất ngờ", Nuth nói trong bài thuyết trình của mình.
Sao chổi rất khó phát hiện và theo dõi
Nhà khoa học không chỉ lo lắng về việc theo dõi sao chổi mà còn về kích thước, quỹ đạo và vận tốc của chúng. Như Nuth giải thích, sao chổi thường lớn hơn so với các thiên thạch trung bình. Sao chổi có quỹ đạo hình elip, trái ngược với thiên thạch. Trong khi các thiên thạch di chuyển với tốc độ trung bình 71.940 km/h, sao chổi sẽ tăng tốc khi tiếp cận mặt trời.
Khối lượng và vận tốc lớn hơn có nghĩa là nguy cơ xảy ra một vụ va chạm trực tiếp lớn hơn. Theo Nuth, những yếu tố này gộp lại có thể tạo thành khả năng xảy ra “đại hồng thủy".
Theo Nuth, vấn đề hiện nay là Trái Đất không thể làm gì để bảo vệ mình khỏi một vật thể nguy hiểm, trừ khi Trái Đất có ít nhất 5 năm để chuẩn bị hoặc phóng một thiết bị ngăn chặn hoặc can thiệp, sẵn sàng đối phó với cả thiên thạch và sao chổi.