Dân Việt

Tầm đánh chặn đáng sợ của tên lửa hạt nhân bảo vệ Moscow

Đăng Nguyễn - China Topix 24/12/2016 20:25 GMT+7
Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga (RSMT) mới đây đã phóng thành công tên lửa đánh chặn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có thể bắn trúng vệ tinh bay quanh quỹ đạo.

img

Moscow là thành phố duy nhất trên thế giới được tên lửa hạt nhân bảo vệ.

Theo China Topix, tên lửa phóng thử nghiệm nằm trong hệ thống phòng thủ A-235 Nudol bí mật của Nga. A-235 chính là phiên bản nâng cấp của tổ hợp A-135 đóng vai trò bảo vệ Moscow trong giai đoạn Chiến tranh lạnh.

Nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, đây là lần thứ 3 liên tiếp kể từ cuối năm 2015, lực lượng Nga thử nghiệm thành công hệ thống đánh chặn Nudol tối tân này. Tổng cộng, Nga đã 5 lần phóng tên lửa từ hệ thống A-235.

Năng lực đánh chặn của A-235 được chia làm 3 cấp độ: Đạn tên lửa 51T6 sẽ đảm nhiệm việc đánh chặn ở khoảng cách 1.500 km, tầm cao 800 km; tên lửa 58R6 đánh chặn xa 1.000 km, tầm cao 120 km; đạn tên lửa 53T6M hoặc 45T6 đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350 km và tầm cao 40 - 50 km.

Tất cả đều được trang bị đầu đạn hạt nhân để nâng cao khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của đối phương.

Với vụ phóng thử thành công vừa qua, nhiều khả năng tổ hợp A-235 sẽ sớm được triển khai để củng cố năng lực phòng thủ tên lửa của Nga.

img

Tên lửa 53T6 trang bị đầu đạn hạt nhân có thể đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350 km và tầm cao 40 - 50 km. 

Chuyên gia phương Tây lo ngại, vụ phóng tên lửa là bước tiến của Nga trong việc phá hủy vệ tinh liên lạc và tình báo Mỹ.

Trong khi đó, phía Nga không xác nhận thông tin hệ thống Nudol khai hỏa tên lửa mà chỉ nhắc đến một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo thông thường. Tuy nhiên, chuyên gia phương Tây nhấn mạnh, tên lửa chống vệ tinh và tên lửa đánh chặn ICBM về cơ bản đều có cơ chế hoạt động như nhau.

Vệ tinh tình báo Mỹ theo dõi đường bay của tên lửa Nga nhưng không phát hiện mảnh vỡ. Điều này có thể cho thấy, tên lửa có thể đã được cố ý nhắm vào khoảng không xa xôi trong vũ trụ.

Nga hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống A-235 Nudol tiêu diệt vệ tinh vì tính toán đường bay của vệ tinh dễ dàng hơn nhiều so với việc đánh chặn ICBM, China Topix đưa tin.

“Chúng tôi có hệ thống theo dõi và tình báo cấp độ cao, do đó, chúng tôi có thể thấy những mối đe dọa đang xuất hiện từ Nga”, Tướng John Hyten, tư lệnh trung tâm chỉ huy chiến lược nói. “Chúng tôi sẽ phát triển năng lực tương đương để phòng vệ trước các mối đe dọa này”.