Nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Texas, Mỹ kết luận ngôi sao khổng lồ Betelgeuse, nằm cách Mặt Trời 640 năm ánh sáng, có thể đã nuốt chửng một thiên thể đồng hành trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society hôm 19.12.
Ngôi sao Betelgeuse có thể đã nuốt chửng thiên thể đồng hành với nó. (Ảnh: Fox News).
Betelgeuse là ngôi sao đỏ 10 triệu năm tuổi với đường kính hơn 1,3 tỷ km và khối lượng gấp 15-25 lần Mặt Trời. Giống như những ngôi sao siêu lớn khác, nó có vòng đời rất ngắn và sẽ sớm bị hủy diệt trong một vụ nổ siêu tân tinh. Những ngôi sao nhỏ hơn như Mặt Trời có thể tồn tại tới 10 tỷ năm.
Các ngôi sao có kích thước lớn như vậy thường quay chậm bởi tốc độ quay giảm khi kích thước tăng. Tuy nhiên, Betelgeuse lại đang quay với tốc độ hơn 53.000km/h, nhanh gấp 150 lần tốc độ quay của các ngôi sao khổng lồ tương tự.
Thông qua mô phỏng máy tính, nhóm nghiên cứu cho rằng điều này có thể xảy ra khi Betelgeuse nuốt chửng một ngôi sao đồng hành có khối lượng gần bằng Mặt Trời 100.000 năm trước.
Hành động "ăn thịt" này khiến Betelgeuse làm nổ tung một đám mây vật chất vào không gian với tốc độ khoảng 36.000km/h. Các nhà thiên văn học đã phát hiện một lớp vật chất tại vị trí được dự đoán trên mô phỏng.
"Ngoài ra, bằng chứng về sự rung chuyển của Betelgeuse trong khoảng thời gian này cũng đã được ghi nhận", J.Craig Wheeler, tác giả chính nghiên cứu, nói.