Sau đêm Noel, tràn ngập facebook là hàng ngàn lượt chia sẻ clip Mỹ Tâm hát song ca bài “Sầu tím thiệp hồng” với chàng ca sĩ khiếm thị trên một sân khấu đơn sơ của Trung tâm nghệ thuật nhân đạo Thăng Long dựng ở ven hồ Hoàng Cầu (Hà Nội).
Mỹ Tâm song ca cùng chàng trai khiếm thị
Trợ lý của cô cho biết, đêm Noel, Mỹ Tâm trên đường đi diễn về, ngang qua sân khấu được dựng lên để quyên tiền cho quỹ hỗ trợ nhân đạo cho người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam, thấy vắng hoe nên đã yêu cầu quay xe lại ngay rồi bước lên sân khấu hát cùng chàng trai khiếm thị.
Tôi đã từng thấy nhiều sân khấu như thế, dựng rải rác ở các điểm vui chơi công cộng ở Hà Nội vào các tối cuối tuần, thường xuyên vắng hắt hiu. Trên sân khấu là một nhạc công chơi đàn organ, và một ca sĩ khiếm thị mặc áo đồng phục, đeo thẻ của đơn vị tổ chức, đứng hát miệt mài. Ca sĩ khiếm thị không trông thấy gì, anh (hoặc cô) cứ đứng hát miệt mài, đầy cảm xúc, trước một không gian trống trơn không khán giả, chỉ có gió thổi vật vờ những tấm phông căng tạm.
Đi qua nhìn cảnh ấy, thấy xót thương.
Mỹ Tâm không hát hay hơn, mùi mẫn hơn chàng trai khiếm thị kia là bao nhiêu, nhưng xem cái clip ấy, tôi chắc chắn ai cũng thấy trái tim mình mềm ra, nghẹn ngào xúc cảm. Trên sân khấu ấy không phải là một nữ ca sĩ có cát-sê hạng A của làng nhạc Việt và một ca sĩ khiếm thị vô danh mà là những nghệ sĩ thực thụ, dù họ không thể giao tiếp bằng mắt, nhưng đã nhận ra nhau bằng trái tim.Và Mỹ Tâm tối Noel 2016 cũng đã trông thấy cảnh tượng ấy. Trái tim nghệ sĩ đã thôi thúc cô làm một điều thật đẹp mà clip quay vội đã ghi lại. Mỹ Tâm lên sân khấu, trò chuyện với chàng ca sĩ khiếm thị, yêu cầu được song ca cùng, ca khúc không phải sở trường của cô, cô phải vừa nhìn lời trong điện thoại vừa hát.
Và trò chuyện với chàng trai khiếm thị
Mỹ Tâm là như thế. Không màu mè, không chiêu trò, không biết nói lời ngọt ngào để lấy lòng fan, ứng xử kiểu “thảo mai” để lấy lòng các nhà báo mảng giải trí như các “ngôi sao” khác. Cô nghệ sĩ một cách thực tâm, đôi khi thẳng thắn đến ngạc nhiên, nhưng vì thế mà được mọi người yêu quý. Clip Mỹ Tâm đòi lên sân khấu song ca cùng chàng trai khiếm thị thể hiện đúng tính cách của cô, không phải để “diễn sâu”, không phải để “lấy điểm”. Chỉ là một hành động mà Mỹ Tâm làm, theo đúng chỉ dẫn mà trái tim nghệ sĩ đã mách bảo cô.
Hành động ấy đẹp lắm. Nếu là một ca sĩ giàu có, cát-sê khủng khác, thấy động lòng trắc ẩn, cô có thể thương tình mà cho chàng ca sĩ khiếm thị một ít tiền, có thể tiền trăm, tiền triệu, nhanh nhanh còn về nghỉ ngơi sau một đêm chạy show. Nhưng không, Mỹ Tâm quay lại, đã lên sân khấu hỏi han, đã song ca cùng. Hành động của Mỹ Tâm trong đêm Noel mang đến thứ ánh sáng ấm áp diệu kỳ của tình người mà không con số cát-sê nào, dù lớn đến đâu, có thể so sánh nổi.
Nghệ thuật đích thực là như thế. Nghệ sĩ đích thực là như thế. Nghệ sĩ đích thực là những người hát trên sân khấu tiền tỷ cũng chân tình như khi hát trên sân khấu là một vài cái bục gỗ kê tạm, quây vài tấm phông. Nghệ sĩ đích thực phải là những người mang đến những cảm xúc thiện lành, dìu đỡ tâm hồn người ta bay lên.
10 hay 20 năm nữa, có thể khán giả sẽ không nhớ nổi Mỹ Tâm đã có những “hit” nào trên sân khấu, nhưng trong trái tim hàng triệu người, sẽ nhớ mãi bài hát “Sầu tím thiệp hồng” mà cô đã hát ở Hà Nội vào đêm Noel 2016, lóng ngóng, vụng về nhưng rất chân tình bên một chàng ca sĩ khiếm thị vô danh.
Đêm Noel hàng trăm năm nay gắn với khúc ca “Đêm Thánh vô cùng”, khi mà những cảm xúc trong trẻo, ấm áp, nhiệm màu được các vị Thánh thần mang xuống trao tặng cho con người ngập tràn khắp muôn nơi. Đêm Noel 2016, có phải là Chúa trời đã gửi xuống một món quà tinh thần vô giá thông qua phần song ca của một cô ca sĩ có trái tim nhân hậu và chàng ca sĩ khiếm thị vô danh?
Mỹ Tâm, cảm ơn bài hát không cát-sê vô giá của em, trong đêm Thánh vô cùng!