Thị trường “say” cổ phiếu bia hay có nhóm lợi ích làm giá?
Những ngày cuối của năm 2016, thị trường chứng khoán đã có những phiên chếnh choáng bởi men bia. Liên tục tăng trần từ khi niêm yết đến ngày 15.12 và đứng mức giá 211 nghìn đồng/cổ phiếu thì cổ phiếu SAB bất ngờ “đổ đèo” ngay phiên sau đó khiến thị trường chứng khoán phiên đó bốc hơn hơn 3.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 26.12, cổ phiếu SAB của Sabeco được giao dịch ở mức 197 nghìn đồng/cổ phiếu, giảm 3% so với phiên thứ 6 tuần trước.
Cổ phiếu BHN cũng có những phiên thăng hoa trong những ngày giữa tháng 12 đã đẩy cổ phiếu này lên mức giá 225 nghìn đồng/cổ phiếu vào ngày 16.12 và sau đó cũng đổ đèo. Tính đến ngày 26.12, cổ phiếu BHN của Habeco được giao dịch ở mức 120 nghìn đồng/cổ phiếu, tăng 4,4% so với phiên thứ 6 tuần trước.
Về giá cổ phiếu bia, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), cho biết rất có thể có nhóm lợi ích ở trong câu chuyện giá của hai cổ phiếu bia này hoặc do lượng cổ phiếu giao dịch tự do ít nên có hiện tượng đánh lên ở hai cổ phiếu này.
“Mặc dù cổ phiếu hàng tiêu dùng thường được nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên, giá trị của hai cổ phiếu bia chưa lớn hơn so với VNM nên diễn biến giá cổ phiếu SAB và BHN có thể có tình trạng lợi ích nhóm hoặc đang bị đánh lên trong thời gian qua”, ông Hải nhận định.
Con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng rút khỏi Sabeco
Chắc thị trường vẫn chưa quên câu chuyện ông Vũ Quang Hải, con trai ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương đã làm đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco. Cuối tuần qua, ông Vũ Quang Hải đã làm đơn xin rút khỏi thành viên HĐQT và thôi làm đại diện vốn Nhà nước. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng đang khiến thị trường băn khoăn về nhóm lợi ích trong việc chậm thoái vốn Nhà nước khỏi Sabeco cũng như việc đẩy giá cổ phiếu SAB lên mức cao hơn giá trị thực của doanh nghiệp.
Trao đổi với Dân Việt, ông Hải cho rằng việc thoái vốn ở Sabeco đã có chủ trương của Chính phủ từ lâu rồi nên cần phải thực hiện. Thủ tướng đã chỉ đạo Nhà nước không bán bia, bán sữa, trong khi thời điểm đã chín muồi thì nên bán vốn ở các doanh nghiệp này là phù hợp.
“Nếu cứ loay hoay, có thể vốn ở các doanh nghiệp này của Nhà nước sẽ bị giảm đi. Thực tế cho thấy, trong lịch sử của Bộ Công Thương, việc cử người quản lý vốn tại các tập đoàn, doanh nghiệp đã không hiệu quả do nhân sự đều yếu kém. Tệ nhất là Habeco, đang từ thị phần thứ 2 xuống thị phần thứ 3, lợi nhuận cũng không tăng bao nhiêu so với thời điểm cổ phần hóa. Nếu Nhà nước không bán có thể đối mặt với vấn đề giá thị trường giảm xuống”, ông Hải nhận định.
Theo ông, nếu bán Sabeco và Habeco vào thời điểm này lợi nhuận có tăng thêm không?
“Tôi cho rằng, nếu niêm yết cách đây 7 – 8 năm thì lợi nhuận của Sabeco và Habeco còn lớn hơn nhiều”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói. |
Trước đây chúng tôi đã nói, nên niêm yết sau đó mới bán thì Nhà nước sẽ thu được thêm khoảng 2 tỷ USD. Thực tế, hiện tại đã bán được giá gấp 2 -3 lần so với mức định giá khi lên sàn.
Trước đây, Bộ Công Thương đã có ý định ngăn cản niêm yết, bán cho nhà đầu tư nội với lý do là nếu bán nhà đầu tư ngoại sẽ mất thương hiệu Việt. Thực tế, nếu bán cho nhà đầu tư nội thì giá chắc chỉ khoảng 80.000 mỗi cổ phần, tức là chưa đạt được 3 tỷ USD nhưng bây giờ mà bán thì giá trị đã được khoảng 6 tỷ với giá hiện tại trên thị trường chứng khoán.
Tôi cũng phải nói thêm, việc VAFI kiến nghị nhiều sự việc trong thời gian vừa qua cũng với mục tiêu chính là kiến nghị niêm yết Sabeco và Habeco trước khi bán vốn. Rất may, Chính phủ sáng suốt đã yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện niêm yết trước khi bán vốn, không duyệt đề án của Bộ Công Thương trình trước đó nên đã có lợi thêm mấy tỷ USD.
Theo ông, làm thế nào để bán được vốn của Sabeco và Habeco với giá cao hơn?
Tôi cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ bán cổ phần ở Vinamilk vừa qua, bán Sabeco và Habeco phải cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ cho nhà đầu tư. Còn với việc bán Vinamilk cho thấy đã không thành công do không tìm các nhà đầu tư chiến lược, chỉ bán cho nhà đầu tư chứng khoán. Muốn bán được Habeco và Sabeco, chỉ cần có ý tưởng, thiết kế, không có lợi ích nhóm…là có thể bán được giá cao ngay. Chỉ cần đấu thầu rộng rãi cho tất cả các tập đoàn bia trên thế giới vào tham gia thì chắc chắn sẽ có những kết quả bất ngờ.
Theo ông, bán Sabeco và Habeco ở thời điểm này với giá bao nhiêu là hợp lý?
Thực tế cho thấy, việc bán cho nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn khác nhà đầu tư chứng khoán. Vì Nhà đầu tư chứng khoán còn tính vào quan hệ cung cầu và thị trường trong ngắn hạn, còn nhà đầu tư chiến lược họ nhìn vào tiềm năng lâu dài của cả lĩnh vực doanh nghiệp đang kinh doanh.
Theo tôi, nếu bán lô lớn cho nhà đầu tư chiến lược, với tiềm năng dân số của Việt Nam và tiềm năng của ngành bia thì giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu là hết sức bình thường. Nhà đầu tư chiến lược về mặt lâu dài sẽ căn cứ vào tiềm năng chiến lược và quan hệ cung cầù.
2 Hiện tại, Bộ Công Thương vẫn đang nắm giữ 89,6% vốn của Sabeco, Heineken nắm hơn 5% và chỉ có khoảng 6,5 triệu cổ phiếu SAB tự do giao dịch. Còn tại Habeco, gần 82% vốn do Bộ Công Thương quản lý, hơn 17% vốn được nắm giữ bởi Carlsberg, còn 1% tương ứng khoảng 2,3 triệu cổ phiếu giao dịch tự do. |