Diện tích trồng giống lúa Đài Thơm 8 cũng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, nhờ có đặc tính thích nghi được với điều kiện tự nhiên ngày càng khó khăn như hạn hán, xâm nhập mặn.
Tiết kiệm giống lúa, năng suất vẫn tăng
Vụ hè thu vừa qua, nông dân Huỳnh Văn Mẫm (ngụ Long Thuận, Hồng Ngự, Đồng Tháp) xuống giống Đài Thơm 8 trên diện tích 2,5 công đất lúa của gia đình. Sau khi thu hoạch, “kết sổ”, anh Mẫm tỏ ra rất hào hứng vì không những chi phí sản xuất giảm mà còn tăng được năng suất.
Theo đó, nhờ áp dụng các kiến thức 3 giảm 3 tăng vừa mới tiếp thu được ở một lớp học khuyến nông, anh Mẫm chỉ sử dụng 12kg giống cho 1 công và sử dụng phương pháp sạ hàng. Phần còn lại, anh Mẫm sạ 18kg cho 1 công trên diện tích 1,5 công.
Trước khi gieo sạ, anh Mẫm xử lý hạt giống và bón lót. Sau khi thu hoạch, anh Mẫm nhận thấy rằng, ruộng lúa sạ sưa, chỉ sử dụng 12kg giống/công cho cây chắc, khỏe, bông lúa dài và không đổ ngã. Trong khi đó, ruộng lúa sạ dày hơn, sử dụng 18kg lúa giống/công lại cho kết quả không như mong muốn. Ruộng lúa dày nên cây yếu, dễ ngã đổ.
“Vụ trước tôi cũng đã từng sử dụng giống lúa Đài Thơm 8 nên biết qua đặc điểm giống lúa này. Vụ này, cộng thêm những kiến thức vừa học, tôi thấy việc sạ thưa cho hiệu quả chi phí sản xuất thấp hơn mà năng suất lúa cao hơn”, anh Mẫm cho biết.
Nhiều nông dân tham quan ruộng lúa giống Đài Thơm 8 của Công ty CP Giống cây trồng miền Nam SSC tổ chức mới đây tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng cho rằng, giống lúa này có khả năng thích nghi được với điều kiện biến đổi khí hậu đang xảy ra ngày một gay gắt hơn.
Giống mới nhiều triển vọng
Ông Nguyễn Kỳ Phùng – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), chia sẻ, lúa đài thơm 8 là giống lúa mới, thích hợp cho huyện Hồng Ngự nhờ khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh đạo ôn và rầy nâu.
Ngoài ra, nhờ đặc tính cây đẻ nhánh khỏe, cứng cây nên bà con nông dân chỉ cần sử dụng 120kg lúa giống/ha. “Điều đặc biệt là gạo Đài Thơm 8 rất đẹp, cơm ngọt, dẻo, thơm nhẹ, rất phù hợp với thị hiếu tiêu dùng”, ông Phùng nhận định.
Còn theo ông Dương Thành Tài – cha đẻ của giống Đài Thơm 8, giống lúa này có khả năng chịu được độ mặn cao cũng như phát triển tốt trong môi trường hạn hán, thiếu nước. Trước đó, trong vụ thu đông 2015, trong thí nghiệm so sánh vùng đất lúa tôm huyện Cái Nước – Cà Mau, năng suất của đài thơm 8 cao hơn so với 2 giống chịu mặn IR154, IR 84196 từ 1,1 -1,62 tấn/ha, và cao hơn giống lúa phổ biến địa phương OM 2395 đến 2 tấn/ha.
Ông Tài cũng cho biết, ưu điểm của giống lúa Đài Thơm 8 là có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 90 – 95 ngày, cao 98 – 102 cm. Cây lúa cứng, bông to, tỉ lệ lép trung bình, nhiễm vừa rầy nâu, kháng vừa bệnh đạo ôn, thích nghi rộng trên các vùng sinh thái từ đồng bằng sông Cửu Long đến Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Năng suất trung bình từ 7 – 8 tấn/ha, tiềm năng từ 08 – 10 tấn/ha. Lúa Đài Thơm 8 cho hạt gạo dài, ít bạc bụng, cơm trắng bóng, mềm, dẻo và thơm nhẹ.
Tổng Giám đốc SSC- ông Hàng Phi Quang, rất tâm đắc với giống lúa thuần mới và chất lượng này bởi các thông tin phản hồi từ nông dân và thị trường là rất khả quan. Đài thơm 8 đã hội tụ đủ các tiêu chí đặt ra từ năng suất, chất lượng đến chống chịu, khả năng chịu mặn khá tốt sẽ mở ra cơ hội cho vùng đệm có nguy cơ ảnh hưởng của mặn và chất lượng cơm gạo sẽ là một lợi thế lớn của giống này so với nhiều giống khác đang phổ biến.
Đài thơm 8 là kết quả nghiên cứu và lai tạo từ tổ hợp lai giữa giống mẹ là BVN và giống bố là OM 4900 (BVN/OM4900); sau 4 năm, 8 vụ, tập thể tác giả của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC) đã chọn thành công được dòng CT 286 -17-1-1-1. Sau khi làm thuần, dòng này được mã hóa và đặt tên MN 14-2.MN 14-2 được tiến hành các bước khảo nghiệm tác giả khắp các vùng sinh thái của vựa lúa ĐBSCL. MN 14-2 cũng đã gửi khảo nghiệm và đánh giá trong hệ thống mạng lưới khảo nghiệm quốc gia vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL qua Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng quốc gia. |