Dân Việt

Tử vong sau gây mê: “Con tôi chỉ ho, rát họng, sao chết oan uổng?”

Diệu Thu 26/12/2016 15:55 GMT+7
Ông Hoàng Văn Chiến, bố của anh H.V.T đau buồn nói về cái chết của con trai ông sau gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức.

img

Hôm nay, thi thể nạn nhân tử vong sau gây mê tại BV Trí Đức được bàn giao cho gia đình.

Sau một ngày xảy ra cái chết của con trai tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, ông Hoàng Văn Chiến– bố đẻ anh H.V.T vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của con trai.

Trao đổi với phóng viên, ông Chiến chia sẻ: “Gia đình tôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin dữ này. Con con trai tôi chỉ bị ho và rát cổ họng, sao chết oan uổng? Trước đó, nó không hề có biểu hiện gì khác lạ, ăn uống vẫn bình thường. Bệnh của nó chỉ cắt amidan thôi nhưng không biết bác sĩ tiêm thuốc kiểu gì mà lại cướp đi tính mạng của nó”.

Ông Chiến kể, sáng ngày 25/12, hai vợ chồng con trai ông đến Bệnh viện Trí Đức định phẫu thuật cắt amidan. Tại đây, anh T. mới chỉ gây mê, chưa phẫu thuật. Ngay lập tức, anh T. phải chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng anh T. đã tử vong.

Sau khi nghe con dâu gọi điện thông báo tin dữ, ông Chiến liền vội bắt xe từ quê lên Hà Nội.  “Tôi lên đến nơi thì con trai đã tử vong và đang làm thủ tục chuyển xuống nhà tang lễ ”, ông Chiến nói.

Ông Hoàng Văn Chiến cho biết, chiều tối ngày 26/12, đại diện Bệnh viện Đa khoa Trí Đức đã gặp gỡ gia đình để xin lỗi và đặt vấn đề bồi thường. Tuy nhiên, chúng tôi kiên quyết không đồng ý.

“Chúng tôi nhất quyết chờ kết quả khám nghiệm tử thi của cơ quan Công an TP Hà Nội xem nguyên nhân cái chết của nó là do đâu”, ông Chiến nói.

img

Gia đình nạn nhân khóc ngất trước tin anh T. tử vong sau gây mê.

Tuy nhiên, ông Chiến cho rằng, để xảy ra cái chết của con trai ông tại Bệnh viện Trí Đức có thể do chất lượng thuốc, khiến con trai ông bị sốc phản vệ. Cộng thêm điều kiện trang thiết bị không được trang bị đầy đủ, khi con trai ông có diễn biến xấu đã không thể can thiệp ngay mà phải chuyển viện.

Ông Chiến cho biết, con trai ông làm nghề xe ôm, đã có 4 đứa con, cháu lớn nhất học lớp 7, cháu nhỏ nhất mới sinh được gần 2 tháng. Vợ anh T. bán hàng tạp hóa nhỏ, lại mới sinh nên thu nhập chủ yếu dựa vào chồng.

Đến thời điểm này, công an quận Hai Bà Trưng đã niêm phong phòng mổ, vỏ thuốc gây mê đã sử dụng cho 2 bệnh nhân và các sổ sách… liên quan đến ca gây mê. Trong hôm nay (26/12), cơ quan Công an sẽ hoàn tất quá trình khám nghiệm pháp y cho anh T. để bàn giao thi thể về gia đình lo hậu sự.

Một bác sĩ khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, cả hai trường hợp khi được chuyển đến bệnh viện tim đã ngừng đập. Các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu, hồi sức, ép tim… nhưng tim bệnh nhân đã không thể đập trở lại.

Theo PGS.TS. Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai), ở Việt Nam, hiện nay chưa có thống kê về tỉ lệ sốc phản vệ do thuốc, nhưng vẫn ghi nhận xảy ra các trường hợp từ các bệnh viện đến các cơ sở y tế, trong đó nhiều trường hợp đã tử vong.

PGS. Nguyễn Gia Bình cho biết, chi phí thuốc cấp cứu sốc phản vệ không đắt, nhưng quan trọng là thời gian cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng với thuốc gây mê, nhân viên y tế chưa kịp can thiệp thì đã xảy ra sự việc đáng tiếc.