Dân Việt

Vì sao Bảo Minh "bội ước" đền bù 100% cho tàu cá bị chìm do lốc

Công Xuân 27/12/2016 11:58 GMT+7
Vụ việc Bảo Minh Quảng Ngãi không chịu bồi thường thiệt hại 100% như hợp đồng bảo hiểm đã kí kết trước đó cho chủ tàu Dần, ngư dân bị lốc đánh chìm phương tiện trên biển đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Để tìm hiểu rõ hơn vụ việc này, phóng viên báo Dân Việt/NTNN đã làm việc với Bảo Minh Quảng Ngãi và cơ quan chức năng liên quan.

Khi thu thì im lặng, lúc bồi thường tìm cách giảm

Theo ông Ngô Ngọc Bính, Giám đốc Cty Bảo Minh Quảng Ngãi-Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (gọi tắt là Bảo Minh Quảng Ngãi), thì trong quá trình thực hiện thu bảo hiểm tàu cá trên địa bàn Quảng Ngãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là "Nghị định 67"), do tin vào lời ngư dân kê khai giá trị phương tiện khi đến đóng bảo hiểm; đồng thời Bảo Minh Quảng Ngãi cũng không đủ người để thẩm định, đối chiếu lại; không ít trường hợp ngư dân đến đóng bảo hiểm nhưng tàu vẫn đang hoạt động trên biển, chưa về bến...

img

Trụ sở Bảo Minh Quảng Ngãi (ảnh to) và ông Bính (ảnh nhỏ).

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho chủ tàu cá theo chủ trương trên, Bảo Minh Quảng Ngãi vẫn chấp thuận kí hợp đồng bảo hiểm phương tiện cho ngư dân. Đến khi xảy ra tai nạn, thẩm định lại mới biết giá trị thực tế của tàu thấp hơn so với ngư dân đã khai báo khi mua bảo hiểm theo 'Nghị định 67".

Cụ thể, đối với trường hợp của ngư dân Huỳnh Dần (50 tuổi), ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, chủ tàu cá QNg 95139 TS, công suất 711 Cv, bị lốc đánh chìm phương tiện vào ngày 12.8 vừa qua.

Theo đó dù  chủ tàu Dần đã đóng bảo hiểm thân tàu theo , đủ số tiền theo qui định, với mức bồi thường khi bị thiệt hại là 100% là 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi mời và được đơn vị giám định đánh giá chiếc tàu của ông Dần có giá trị thực tế tại thời điểm xảy ra sự cố, chỉ trị giá khoảng 1,75 tỉ đồng. Vì vậy, Tổng Cty Bảo Minh mới có thông báo cho chủ tàu Dần số tiền bồi thường là 1,75 tỉ đồng".

Thẩm định bằng cách hỏi thăm

Trả lời câu hỏi "Bảo Minh Quảng Ngãi dựa vào cơ sở nào, việc thẩm định có chính xác khi tàu của ông Dần bị chìm và đang ngoài biển khơi ?", ông Bính giải thích: "Dựa trên hồ sơ thiết kế chiếc tàu mà ông Dần đã nộp, Tổng C.ty Bảo Minh mời C.ty Cổ phần giám định Thái Dương (SICO) thẩm định, với hình thức khảo sát tại một số xưởng đóng tàu có uy tín trên địa bàn và đưa ra trị giá tàu ông Dần là khoảng 1,75 tỉ đồng".

"Tuy nhiên hình thức thẩm định như vậy thì không thể chính xác 100% được. Và mức độ chênh lệnh từ 10-15% so với giá trị thực của chiếc tàu này", ông Bính thừa nhận.

Về phía cơ quan chức năng, ông Phùng Đình Toàn, Phó trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản-Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, bày tỏ: "Theo qui định đã nắm được về bảo hiểm cho tàu cá theo "Nghị định 67", thì Bảo Minh Quảng Ngãi phải bồi thường thiệt hại 100% cho chủ tàu Dần như hợp đồng đã kí kết. Nếu Bảo Minh Quảng Ngãi cho rằng trước đó đã rà soát lại và nhận thấy chủ tàu Dần kê khai giá trị phương tiện cao hơn so với thực tế, nên đã có thông báo điều chỉnh chủ tàu Dần. Thì việc điều chỉnh giảm này phải được thể hiện bằng văn bản phụ lục có kí tên của 2 bên, đóng dấu và kẹp trong hồ sơ bảo hiểm. Trên cơ sở này thì Bảo Minh Quảng Ngãi mới đưa ra, điều chỉnh mức bồi thường giảm, tăng được".

Riêng về việc thẩm định theo kiểu khảo sát như trên, ông Toàn bày tỏ: "Không thể tính chính xác giá trị của chiếc tàu theo hình thức này được. Và bản thân chưa tham gia thẩm định như thế bao giờ".