Bộ Y tế phải đánh giá lại nguy cơ ung thư tại 10 làng ở các địa phương như đã công bố
Theo Bộ Y tế, chưa có mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước của người dân tại 10 "làng ung thư" tại các địa phương. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra kết quả điều tra, đánh giá về 10 làng có nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nghi ngờ nguyên nhân gây ung thư.
Bộ Y tế cho rằng, Bộ Tài Nguyên và Môi trường không có chức năng, chuyên môn về y tế nhưng họ lấy mẫu nước, lấy số liệu về bệnh tật rồi đưa ra kết quả về bệnh tật. Do đó, công bố này đã xảy ra sai số lớn, đặc biệt là sai số về tỉ lệ người mắc bệnh ung thư tại những địa phương này.
Theo Bộ Y tế, ung thư liên quan đến nhiều yếu tố, do nhiều nguyên nhân, cụ thể như chế độ ăn uống, sinh hoạt, lối sống, môi trường… Không thể nói vì nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân gây ung thư tại những làng này.
Vì vậy, ngày 27/12, Bộ Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm lại nguy cơ ung thư tại 10 làng ở các địa phương (gồm: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận).
Theo đó, Bộ Y tế lập Hội đồng khoa học và mời Bộ Tài nguyên-Môi trường trình bày về kết quả điều tra để các thành viên Hội đồng đánh giá.
Bộ Y tế cho biết, để đánh giá nguy cơ ung thư tại 10 làng này phải dựa trên hai nhóm chỉ số. Một là tỷ lệ mắc bệnh tại những nơi này có vượt quá ngưỡng trung bình của khu vực, quốc gia hay không. Hai là dựa vào nhóm nguyên nhân gây ung thư (gồm 4 nhóm nguyên nhân, đó là yếu tố vật lý, bệnh truyền nhiễm (virus HP gây viêm dạ dày dẫn đến ung thư dạ dày, virus HPV gây bệnh phụ khoa dễ dẫn tới ung thư cổ tử cung, vi rút viêm gan B nguy cơ gây ung thư gan…), ô nhiễm môi trường và thực phẩm).
Trước đó, Bộ Y tế công bố kết quả sau khi các Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh, điều tra tình hình thực tế ung thư tại 10 làng có tỷ lệ mắc ung thư cao cho thấy, tỷ lệ người bệnh ung thư tại đây tương đương cả nước, các yếu tố nguy cơ trong giới hạn.
Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của người dân cũng chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi tác nhân có khả năng gây ung thư, chưa có mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước của người dân tại các làng này.
Tuy nhiên, dựa trên điều tra tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số làng ung thư của Việt Nam, 10 làng trên được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá là “làng ung thư” do có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất.