Dân Việt

Trồng ngô biến đổi gen, nhà nông thu lợi kép

Hải Đăng 29/12/2016 06:15 GMT+7
Với việc chuyển đổi sang trồng ngô biến đổi gen (BĐG) NK4300Bt/GT trong vụ đông năm 2016, hàng trăm hộ nông dân (ND) tại 2 huyện Ba Vì và Chương Mỹ (Hà Nội) không chỉ tăng thu nhập mà còn tiết kiệm chi phí, cải thiện sức khỏe và giảm thiểu tác động tới môi trường.

Tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập

Mặc dù ngô không phải cây trồng chính trong cơ cấu giống của Hà Nội, tuy nhiên ngay sau khi Bộ NNPTNT chính thức công nhận 4 giống ngô BĐG, vụ đông 2016, Sở NNPTNT Hà Nội đã xây dựng mô hình trồng ngô BĐG bằng giống NK 4300Bt/GT tại 2 huyện Chương Mỹ và Ba Vì. Đây là giống ngô được Bộ NNPTNT cho phép sản xuất thương mại tại Việt Nam, có nhiều điểm ưu việt như kháng sâu đục thân và chịu được thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate.

img

Trồng ngô biến đổi gen NK4300BT/GT đang giúp tăng thu nhập cho ND ở xã Sơn Đà, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ảnh: Ánh Ngọc

Với giá bán 185.000 đồng/kg, giống ngô BĐG vẫn có mức giá cao hơn khá nhiều so với các giống ngô khác trên thị trường. Vì vậy, nhà cung cấp giống là Công ty Syngenta Việt Nam nên xem xét hạ giá thành để khuyến khích ND mở rộng diện tích”.

Bà Nguyễn Thị Thoa

Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết, vụ đông 2016 vừa qua, Sở đã triển khai 2 mô hình trồng ngô BĐG, quy mô 10ha/mô hình tại xã Sơn Đà, huyện Ba Vì và xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, với 186 hộ ND tham gia sản xuất.

“Sau quá trình canh tác, qua đánh giá thực tế cho thấy giống ngô BĐG NK4300Bt/GT đã thể hiện rõ nhiều ưu điểm nổi bật so với giống ngô đối chứng như cây sinh trưởng, phát triển đồng đều, bộ rễ phát triển mạnh, thân cây to mập, lá màu xanh đậm, dày và cứng. Mặt khác, giống NK4300Bt/GT cho bắp to, dài, đóng hạt kín đầu bắp, số hạt vàng nhiều hơn nên cho năng suất trung bình 7,5 tấn/ha, cao hơn giống ngô truyền thống tại địa phương từ 10 – 12%. Hiệu quả kinh tế đạt 45 triệu đồng/ha, cao hơn mô hình đối chứng khoảng 6 triệu đồng/ha” – bà Thoa khẳng định.

Là một trong các hộ trồng ngô BĐG ở xã Phương Tiến, ông Lê Minh Hùng hiểu rõ hơn ai hết về hiệu quả kinh tế cũng như tiềm năng của giống ngô mới này. “Vụ vừa rồi gia đình tôi trồng 5 sào ngô BĐG, đến giờ thu hoạch được 1,3 tấn ngô hạt, cho thấy năng suất giống ngô mới này rất cao. Đặc biệt là từ khi trồng đến khi thu hoạch, ND không tốn nhiều công chăm sóc, đặc biệt giảm được rất nhiều chi phí đầu tư nên  chúng tôi phấn khởi lắm”  - ông Hùng chia sẻ.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Công Toán – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì cho rằng: “Qua việc sản xuất thử một vụ đông năm 2016 đã cho thấy tiềm năng kinh tế của giống ngô NK4300Bt/GT, không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư. Nhờ giống ngô kháng sâu đục thân, chịu được thuốc trừ cỏ nên bà con không phải phun thuốc trừ sâu, cũng như không tốn nhiều công sức làm cỏ, do đó đảm bảo sức khỏe trong quá trình canh tác. Chúng tôi rất mong thời gian tới Sở NNPTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ ND mở rộng diện tích trồng ngô BĐG để tăng thu nhập”.

Ông Nguyễn Đình Dần - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhấn mạnh thêm: “Để giúp ND tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập từ trồng trọt, huyện kiến nghị Sở NNPTNT Hà Nội tiếp tục hỗ trợ địa phương nhân rộng mô hình trồng ngô BĐG trên phạm vi toàn huyện. Về phía huyện cũng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ cho ND mở rộng diện tích giống ngô BĐG triển vọng này trong thời gian tới”.

Ông Dần cũng cho rằng: “Hiện nay chúng ta mới chú trọng phần hạt bắp, về lâu dài cần tính đến giá trị sử dụng của thân cây ngô, tránh lãng phí. Ngoài ra, sản lượng ngô thương phẩm vẫn chủ yếu phục vụ chăn nuôi, lợi nhuận chưa thực sự thuyết phục nên chưa thu hút được đông đảo ND tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất”.

Theo TS Ngô Vĩnh Viễn – nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, ưu điểm của các giống ngô BĐG là kháng được sâu đục thân hoàn toàn nên ND không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đồng thời, giống ngô cũng kháng được thuốc trừ cỏ, từ đó vừa tiết kiệm được ngày công lao động, chi phí sản xuất, vừa cho năng suất cao. “Đây chính là cơ sở để Hà Nội tiếp nhận và mở rộng diện tích trồng giống ngô BĐG nói chung và giống ngô NK 4300Bt/GT nói riêng. Trong đó, Hà Nội cần chú trọng việc mở rộng các mô hình trình diễn tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố trong những năm tiếp theo” – TS Viễn nói.

Về định hướng phát triển và mở rộng diện tích giống ngô BĐG trong thời gian tới, theo bà Thoa, Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận những giống ngô BĐG được Bộ NNPTNT công nhận và cho phép sản xuất thí điểm.