Diễn đàn này là một trong những hoạt động của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Diễn đàn nhằm mục đích tìm ra những giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả và phát triển cà phê bền vững.
Thực trạng đáng lo ngại
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), những năm qua, ngành cà phê nước ta phát triển không ngừng về diện tích, năng suất và sản lượng. Đến nay cả nước có 105 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố của 5 vùng sinh thái trồng cà phê (trong đó, Tây Nguyên có 53 huyện thuộc 5 tỉnh; Đông Nam Bộ có 27 huyện thuộc 6 tỉnh; trung du miền núi phía Bắc có 12 huyện thuộc 3 tỉnh; Nam Trung Bộ có 4 huyện thuộc 3 tỉnh và Bắc Trung Bộ có 4 huyện thuộc 4 tỉnh trồng cà phê). Đến năm 2016, diện tích cà phê cả nước ước đạt hơn 643.000ha, giảm 154ha so với năm 2015 (Tây Nguyên là vùng trồng cà phê trọng điểm của cả nước với 530.000ha, chiếm 88,3% diện tích cà phê cả nước), trong đó diện tích cà phê đang cho thu hoạch là trên 599.000ha, chiếm 93,2%, tăng 5.500ha so với năm 2015.
Các đại biểu tham dự diễn đàn thăm một hình sản xuất cà phê bền vững tại thôn 6, xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar, Đăk Lăk. Ảnh: D.H
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp đã dành nhiều thời gian để giải đáp hàng chục ý kiến, thắc mắc của nông dân trong quá trình canh tác cà phê. |
Năng suất cà phê Việt Nam rất cao, gấp 3 - 4 lần so với trung bình của thế giới (năng suất cà phê năm 2015 - 2016 đạt 24,3 tạ/ha, sản lượng đạt 1,459 triệu tấn, tăng 5,564 nghìn tấn so với niên vụ trước đó). Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, trong đó đứng thứ nhất thế giới nhiều năm liền về sản xuất và xuất khẩu cà phê vối. Theo đề án tái canh cà phê ở Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 của Bộ NNPTNT thì đến nay, các tỉnh đã thực hiện tái canh và ghép cải tạo được 78,2 nghìn ha cà phê, đạt 65% kế hoạch đến năm 2020.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành cà phê Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại như: Diện tích tăng nhanh vượt quy hoạch 7,2% (trong đó, Tây Nguyên vượt 9% so với quy hoạch đến năm 2020); canh tác thiếu bền vững do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác chưa hợp lý; khâu chế biến, bảo quản cà phê còn nhiều bất cập, phần lớn do người dân làm theo kinh nghiệm và điều kiện kinh tế gia đình… Đặc biệt, trong những năm qua, việc sản xuất cà phê còn gặp rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu.
Giải đáp nhiều thắc mắc của nông dân
Từ kết quả phân tích, đánh giá trên, tại diễn đàn, các nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp trung ương và các địa phương đã đề xuất một số biện pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê bền vững: Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, khi tái canh, trồng mới cà phê, người dân nên chọn các dòng cà phê vô tính có năng suất, sản lượng cao để trồng. Trong đó yêu cầu bắt buộc là trong cùng một vườn phải trồng ít nhất 2 dòng vô tính khác nhau với thời gian chín cách nhau từ 15 - 20 ngày (ví dụ như dòng TR4 và TR7). Điều này sẽ giúp người dân dễ xử lý dịch bệnh trên cây trồng, tránh được áp lực do thiếu hụt nhân công thu hoạch và sân phơi cà phê.
Đại diện Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhìn nhận thực trạng hạn hán thường xuyên xảy ra nghiêm trọng vào mùa khô ở Tây Nguyên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng cà phê trong vùng. Trong khi đó, nhiều hộ dân vẫn còn giữ thói quen tưới nước đẫm cho cây cà phê từ 500- 800 lít nước/gốc/lần tưới là rất lãng phí, gây thiếu hụt nguồn nước mà cây cà phê dễ bị nghẹt, thối rễ. Vì vậy, người dân chỉ cần tưới từ 380-400 lít nước/gốc/lần tưới là đủ. Bà con nên chọn hình thức tưới nước nhỏ giọt dưới gốc, không nên tưới béc từ trên cao xuống để tránh lượng nước thất thoát do bốc hơi, tưới lan ra ngoài gây lãng phí.