Theo Bộ trưởng Y tế, Bộ Y tế đang chuẩn bị mức giá trần cho dịch vụ khám chữa bệnh dịch vụ ở bệnh viện công
Trong thời gian vừa qua, tại nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, người dân muốn được giáo sư khám bệnh phải chi trả gấp 3 lần khám thường, thậm chí giá giường bệnh ở nhiều nơi cao ngang khách sạn 5 sao... Nhiều người cho rằng, khám giáo sư, giá giường bệnh đang “cắt cổ” người bệnh.
Có ý kiến cho rằng, Bộ Y tế chưa kiểm soát giá và chất lượng dịch vụ theo yêu cầu trong các bệnh viện bởi thực thế vẫn đang tồn tại các dịch vụ có giá rất cao (tiền công khám, giá ngày giường bệnh…).
Về vấn đề này, trả lời phóng viên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn nội dung, nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu.
Bộ Y tế sẽ chỉ đạo để bảo đảm công bằng trong cung cấp dịch vụ chuyên môn (việc thực hiện các kỹ thuật y học là như nhau, chỉ khác nhau về giường nằm); kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn thu cho đúng các quy định, kể cả việc nộp thuế theo pháp luật.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay, Bộ Y tế cũng đã dự thảo và chuẩn bị ban hành quy định về tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Theo đó, khám chữa bệnh dịch vụ sẽ có mức giá trần, các bệnh viện không thể tự ý đưa ra mức được cho là “cắt cổ” bệnh nhân.
Gía khám bệnh giáo sư ở bệnh viện công ngoài giờ hành chính đang là 600.000đ/lượt
Cũng theo Bộ trưởng Y tế, dự kiến quý I hoặc quý II trong năm 2017, sẽ áp dụng mức giá viện phí mới đối với người có thẻ BHYT tại 27 tỉnh, thành phố.
Đối với người không có thẻ BHYT, hiện nay vẫn thực hiện mức giá ban hành từ năm 2006 và 2012, chưa tính đủ chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương, thấp hơn mức giá khám chữa bệnh BHYT nên nhiều người chưa tham gia BHYT.
Trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương đối với người chưa có thẻ BHYT, để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, chỉ khác về chi trả.
Cụ thể: Người có thẻ BHYT do quỹ BHYT chi trả (trừ phần đồng chi trả của một số đối tượng và một số dịch vụ, thuốc, vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT). Người không có thẻ BHYT phải tự trả tiền, khi đó người dân sẽ thấy lợi ích của BHYT để tham gia.
Ngoài ra, Bộ Y tế và Bộ Tài chính tiếp tục ban hành quy định khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí để áp dụng cho các đối tượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu…