Tại nút giao Giảng Võ, hàng loạt phương tiện ô tô - xe máy nối đuôi nhau chạy cắt mặt xe buýt nhanh khiến xe buýt phải phanh dúi dụi.
Với tổng đầu tư 55 triệu USD, sau 10 năm chậm tiến độ, 3 lần lỡ hẹn và dự kiến đi vào hoạt động vào ngày 1/1/2017, dự án buýt nhanh được coi là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng của TP. Hà Nội.
Tuy nhiên, trong ngày chạy thử nghiệm (29/12) phóng viên ghi nhận, dù có cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông tham gia phân luồng nhưng ùn tắc giao thông vẫn kéo dài. Tại các nút giao cắt, đèn tín hiệu bố trí chưa hợp lý khiến nhiều phương tiện lấn làn, tạt đầu xe buýt. Để độc giả có hình dung cụ thể hơn về tuyến BRT, chúng tôi ghi lại toàn cảnh về ma trận giao thông nơi buýt nhanh đi qua.
Tuyến buýt nhanh có hai điểm đầu cuối là Bến xe Yên Nghĩa và bến Kim Mã, với 20 điểm nhà chờ trên toàn lộ trình dài 14,7 km.
Xe buýt nhanh có 12,2km chạy trên làn đường riêng; 2,5km chạy chung với làn đường cùng phương tiện khác. Buýt nhanh sẽ chạy trên làn riêng tại các đoạn: Ba La - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - đường trục Bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - nút giao Giang Văn Minh với Cát Linh.
Các đoạn xe buýt nhanh chạy chung với các phương tiện khác bao gồm: đoạn Yên Nghĩa - Ba La; Giang Văn Minh - Kim Mã và Kim Mã - Giảng Võ.
Xe buýt nhanh lưu thông qua gần 16 điểm giao cắt, trong đó, nút giao Trung Văn- Khuất Duy Tiến; Lê Văn Lương- Hoàng Đạo Thúy; Lê Văn Lương- Khuất Duy Tiến là những nút giao thông "nóng" nhất.
Khi buýt nhanh hoạt động, Hà Nội cấm toàn bộ xe khách, xe hợp đồng và xe tải, ô tô chở hàng từ 500kg trở lên trong giờ cao điểm từ 6 - 9h sáng và chiều từ 16h30 - 19h30. Cấm xe taxi hoạt động trong giờ cao điểm sáng từ 6-9h và chiều từ 16h30-19h30 trên các tuyến đường Giảng Võ – Láng Hạ - Lê Văn Lương.
Ở 2 cầu vượt Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Lương - Láng Hạ, sẽ cấm các phương tiện mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ trong giờ cao điểm sáng từ 6h - 9h và chiều từ 16h30- 19h30.
Xe buýt nhanh BRT chen chân sau hàng loạt phương tiện trên đường Tố Hữu.
Tại cầu vượt Thái Hà, mặc dù đã có biển cấm xe máy lưu thông qua cầu trong hai khung giờ cao điểm (từ 6 giờ - 9 giờ sáng và từ 16 giờ 30 tới 19 giờ 30 tối), thế nhưng theo ghi nhận của PV, tình trạng này vẫn xảy ra.
Theo thông tin từ Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, chỉ tính riêng tuyến đường Lê Văn Lương, hiện TP. Hà Nội đã cấp phép cho 33 dự án chung cư cao tầng.
Trả lời báo chí liên quan đến buýt nhanh BRT, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia có 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị cho hay, hiện Thủ đô quá chật, mặt cắt nhỏ, các phương tiện quá nhiều nên buýt nhanh chạy bằng đường riêng thì phương tiện khác không biết đi đường nào. Tại tuyến tuyến Láng Hạ, Lê Văn Lương đường nhỏ, điểm giao cắt nhiều, buýt nhanh đi vào hoạt động sẽ càng thêm ùn tắc kéo dài.
Đoạn giao từ Đường Láng đến ngã tư Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân) dài 1km nhưng phải cõng 33 dự án chung cư cao tầng với mật độ dân số hơn 100 ngàn người.
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội)
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, Nguyên Tổ trưởng Tổ xử lý (Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) cho biết, với hạ tầng như hiện nay thì giải pháp trước mắt Hà Nội cần phải làm ngay là tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đứng tại tất cả các nút giao, điểm giao cắt đông đúc, hay xảy ra ùn tắc. Lực lượng này sẽ hướng dẫn, phân luồng, giải tỏa giao thông ngay khi thấy ùn ứ phương tiện.
"Các cơ quan thực hiện dự án đang triển khai buýt nhanh theo kiểu "đâm lao phải theo lao', bất chấp hiệu quả bởi số tiền đầu tư vào quá lớn". Tiến sĩ khoa học, Thiếu tướng Nguyễn Bắc, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng). |
Hà Nội nghiên cứu thay đổi đèn tín hiệu giao thông tại các “điểm nóng” giao thông. Buổi sáng, người dân lưu thông đông từ ngoại thành vào nội đô thì phải tăng thời gian đèn xanh lên theo chiều ngoại thành vào nội đô (nếu đèn xanh để 90 giây thì có thể tăng lên 1phút 50 giây) để các phương tiện có thêm thời gian thoát qua nút giao và buổi chiều cũng làm ngược lại.
Cùng với đó, Hà Nội nên nghiên cứu quy hoạch mở rộng thêm lòng đường tại trạm chờ, nhằm giảm ùn xe và tai nạn xung quanh trạm chờ xe buýt nhanh. Các tuyến đường mới xây dựng, nghiên cứu tính toán xây dựng thêm làn đường cho xe buýt nhanh.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, tới năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy. Trong đó, bình quân trên địa bàn thành phố Hà Nội, mỗi tháng, lượng đăng ký mới với xe máy là 18.000-22.000 chiếc, ôtô là 6.000-8.000 chiếc.
Buýt nhanh chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, mất khoảng 45 phút. Buýt nhanh hoạt động từ 5 giờ sáng đến 22h với tần suất hoạt động 5-10-15 phút/lượt. Giá vé hiện nay được bán 7.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, trong tháng đầu tiên chạy thử nghiệm, buýt nhanh miễn phí vé cho người dân. Nhân viên bán vé và kiểm tra vé tại nhà chờ xe buýt. Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng. |