Trước khi trở lại Phú Hội, tôi vẫn nghĩ đồng trà Phú Hội đã “khai tử” trước sự cạnh tranh giá mãnh liệt của các loại trà khác và mức độ đô thị hóa của “thành phố mới Nhơn Trạch”. Tuy nhiên, khi gọi anh Ba Ly (Nguyễn Thái Ly – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội), thì anh cười hề hề trong máy: “Chết sao được, giờ trà Phú Hội làm ra không đủ bán”.
Về “mạch bà” tìm “trà Phú Hội”
Trà Phú Hội kết hợp với “nước mạch bà” sẽ cho ra sản phẩm tuyệt hảo: thơm lừng và ngọt thanh. Ảnh: Trần Đáng
Ông Huỳnh Văn Chiến cho biết, Hội Nông dân đang vận động hội viên, nông dân tham gia tổ liên kết sản xuất trà Phú Hội. Trà đang là cây trồng có giá trị kinh tế, và tiềm năng hồi sinh cây trà trên vùng đất Phú Hội rất lớn, sản phẩm được ưa chuộng. Thời gian gần đây, nhiều du khách tìm về Phú Hội để tham quan và thưởng thức trà, khơi nguồn cho hướng đi mới phát triển kinh tế kết hợp với du lịch, quảng bá sản phẩm địa phương. |
Chúng tôi len lỏi trên những con đường nhỏ lót đan quanh co trong những vườn cây ăn trái. Xã Phú Hội đang làm nông thôn mới, nên có những con đường dân trồng hoa hai bên đẹp tuyệt. Thi thoảng lại xuất hiện những ngôi nhà cổ chữ Đinh thấp thoáng trong vườn. Đây là những kiểu nhà truyền thống của cư dân Việt ở Trung Bộ đưa vào trong quá trình di cư vài trăm năm trước.
Đi ngang một “mạch bà”, anh Ba Ly dừng lại lấy tay vốc một bụm nước trong vắt, mát lạnh rửa mặt. Nghe đâu, kể cả thời điểm khô hạn nhất trong năm, nước ở “mạch bà” vẫn chảy, vẫn tưới tắm cho đồng trà Phú Hội xanh tốt quanh năm. Anh Ba chia sẻ, trà Phú Hội ngon là nhờ thổ nhưỡng. Nơi đây, đất đỏ pha sỏi cộng với nguồn nước mạch quanh năm nên lá trà xanh, dày. Trà khô hãm nước sôi có màu đỏ sậm, thơm nức. Uống xong ngụm trà đắng, trong cổ đọng lại vị ngòn ngọt thơm thơm... nên mới có câu truyền miệng: “Nước mạch bà, trà Phú Hội”.
Men theo một lối nhỏ quanh co của ấp Đất Mới, chúng tôi tìm đến nhà ông Tư Nô (Trà Văn Pháp) –một lão nông trồng trà nức tiếng. Có khách, ông Tư vội ra vườn hái nắm lá pha nước mời khách. Vừa hớp ngụm trà xanh thơm lừng, nghe tôi hỏi mua vài ký trà khô, ông Tư giãy nảy: “Trời đất, còn đâu mà bán. Tui còn nợ chục ký trà của một Việt kiều Úc kìa, từ đây tới tết chưa biết làm kịp hàng không để giao khách”.
Theo ông Tư Nô, sở dĩ trà ông trồng ngon hơn nhiều hộ khác là do trồng trên gò cao, nơi có một “mạch bà” chảy vắt qua nên búp lên đều, ngọn mập, lá không bị héo kể cả mùa khô. Đồng trà này có từ thời ông nội ông. Trước đây, đồng trà có vài ngàn gốc, thợ hái búp hàng ngày. Giờ đồng trà chỉ còn hơn 300 gốc, mười ngày hay nửa tháng mới hái búp một lần. Vợ chồng lão nông “thất thập” này thay nhau làm các công đoạn cho đến khi ra sản phẩm. “Sáng sớm khi sương còn chưa tan hết phải ra vườn hái những búp trà non. Sau đó, đem phơi búp chừng 1 - 2 giờ. Khi búp trà vừa teo thì vò để xoăn lại, càng xoăn nhiều trà càng giữ được lâu. Vò xong đem trà phơi nắng đến khi khô hẳn” - ông Tư kể.
Cùng với thời gian, công thức chế biến trà thủ công vẫn được người dân nơi đây lưu giữ nguyên vẹn từ đời này sang đời khác. Tất cả các công đoạn đều làm bằng tay, không dùng lò để sấy khô, không sử dụng máy vò… Để làm tăng mùi thơm của trà, người dân Phú Hội trộn một ít lá ren khô (lá ren là một loại lá thơm, phơi khô, thái sợi dùng để uống chung với các loại trà), sau đó đem sao (rang) trên chảo cho vàng, đổ ra nong chờ nguội, sàng phân loại trà rồi đóng vào từng bịch nylon đem giao khách. Cứ khoảng 4 - 5 ký búp xanh thì được 1 ký trà thành phẩm.
Ông Tư “cam kết” trà ông làm là trà sạch vì không bón phân hóa học cho cây mà dùng phân chuồng, không tẩm trà bằng hóa chất… “Mấy năm nay, trà tui làm một nửa là bán ra nước ngoài. Việt kiều Úc, Mỹ về mua nhiều lắm” - ông Tư cho hay.
Tháo “nút thắt” cho đồng trà
Một “mạch bà” chảy qua ấp Xóm Hố. Ảnh: Trần Đáng
Không ai ở đồng trà Phú Hội biết nghề trồng và chế biến trà ở đây có từ khi nào. Chỉ biết rằng, khi họ lớn lên đã thấy những gốc trà từ vài chục đến hàng trăm tuổi. Ngày trước, nhà ít cũng có vài công (1 công là 1.000m2), nhiều hơn thì vài chục công, thậm chí cả hecta trà. Trà trồng khắp vườn trước, vườn sau, ven lối đi, có nhà còn trồng nguyên cả đồi. Tổng diện tích trà ở Phú Hội và các khu lân cận lên đến cả trăm hecta. Trà trở thành cây trồng chủ lực, là nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình. Trà sau khi chế biến được tiểu thương thu gom bỏ mối tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), TP.HCM, sang Trung Quốc…
Nhiều người nói, giống trà trên đất Phú Hội thường được gọi là trà quế với lá nhỏ, dài, dày, có màu xanh đậm. Dù uống lá tươi hay trà khô đều rất thơm, ngon, vị ngọt thanh. Những năm 1980, trà từ miền Bắc vào, từ Tây Nguyên xuống, giá rẻ nên người trồng trà Phú Hội càng lúc càng khó khăn. Gần đây, khu công nghiệp và đô thị ở Nhơn Trạch phát triển mạnh, nên diện tích cây trà ngày càng teo tóp, có lúc chỉ còn khoảng chục gia đình giữ lại vườn trà xen canh cây ăn quả.
Hôm gặp tôi, ông Huỳnh Văn Chiến – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch cho biết, đồng trà Phú Hội giờ đang hồi sinh khi khoảng 100 hộ quay lại trồng trà với gần 10 ha. Phòng kinh tế huyện cũng đang làm đề án phục hồi đồng trà Phú Hội.
Theo bà Nguyễn Thị Lít (ấp Xóm Hố), trước đây đồi trà của bà có cả chục công đất. Thời “khủng hoảng”, bà đã phá trà để trồng cây ăn quả. Nay bà đã gầy dựng lại được 5 công, là một trong những hộ có diện tích trà lớn nhất Phú Hội. Trong đó có những cây trà gần cả 100 năm tuổi, cao bằng 2 thân người, thợ hái trà phải dùng ghế cao hoặc thang mới hái được búp non.
Năm 2015, bà Lít thu khoảng 1 tạ trà khô, trừ chi phí bà lời khoảng 200 triệu đồng. “Trên thị trường, trà Phú Hội hiện có giá gấp đôi các loại trà khác. Trà búp khô bán sỉ với giá 300.000 - 350.000 đồng/kg, trà lá xòe khoảng 150.000 - 180.000 đồng/kg. Nếu tẩm ướp các loại lá, hoa thơm, giá bán trà Phú Hội có thể tăng lên từ 50.000 - 100.000 đồng/kg. Thời điểm cận Tết, hiếm hàng, giá trà có thể tăng gấp đôi” - bà Lít cho biết.
Hiện các cơ quan chức năng địa phương đang tìm cách đẩy nhanh việc phát triển giống trà Phú Hội nhằm mở rộng diện tích cho nông dân. Xưa nay, để trồng trà Phú Hội, nông dân chỉ có cách là ươm hạt. Với phương pháp này, cây phải mất 3 - 4 năm mới cho thu hoạch. “Tui đã nhiều lần bỏ công sức thử chiết cành, nhưng với cây trà Phú Hội thì vô phương” - kỹ sư Võ Xuân Lũy - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Nhơn Trạch cho hay.
“Xã đang vận động bà con trồng trà mở rộng diện tích. Tuy nhiên, nhân giống trà chỉ với phương pháp ươm hạt là không ổn, nông dân rất mất thời gian để có thu hoạch, chưa nói tỷ lệ ươm hạt thành công cũng chỉ đạt khoảng 50%. Chúng tôi sẽ nhờ các viện nghiên cứu cấy mô nhân giống trà Phú Hội”- ông Chiến chia sẻ.