Dân Việt

Nông dân Hà Tĩnh “ém” đà điểu, gà Đông Tảo chờ Tết

Hữu Trung 31/12/2016 19:05 GMT+7
Thị trường thực phẩm Tết năm nay tại Hà Tĩnh xuất hiện nhiều loại đặc sản như lợn rừng, lợn nít, đà điểu, gà ri lai, gà Đông Tảo… Người nuôi đang tập trung chăm sóc, còn thương lái đã bắt đầu tìm mối thu mua, chờ bung hàng dịp cuối năm.

Trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Nguyễn Đăng Nghĩa (xóm Bồng Sơn, xã Thường Nga, Can Lộc) hiện có 400 con gà, 30 con lợn siêu nạc và đặc biệt là gần 50 con lợn nít đến độ xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán 2017.

img

Thịt đà điểu tươi ngon, dễ chế biến món ăn nên rất nhiều người ưa chuộng

Anh Nghĩa cho biết: Hiện đàn lợn nít rất khỏe mạnh, đạt trọng lượng bình quân 30 kg. Nhiều anh em bạn bè đã gọi điện đặt hàng mua phục vụ nhu cầu trong dịp tết. Gia đình tôi đang tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn, gà nhằm đảm đảm bảo cung ứng ra thị trường đúng dịp tết.

Gần đây trên địa bàn tỉnh đã du nhập về một số đối tượng nuôi mới khác, rất được nhiều người quan tâm, như: nuôi đà điểu ở xã Tây Sơn (Hương Sơn), gà đông tảo ở xã Thạch Liên (Thạch Hà). Những đặc sản này cũng đang dần tiếp cận được thị trường trong và ngoài tỉnh.

Anh Từ Đức Mạnh - Giám đốc HTX chăn nuôi tổng hợp Tây Sơn cho biết: Hiện tôi đang nuôi gần 400 con đà điểu đã đến kỳ thu hoạch. Đà điểu là con vật dễ nuôi, lớn nhanh, không có dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là rau cỏ, ngô, thóc... Thịt đà điểu tươi ngon, dễ chế biến món ăn nên rất nhiều người ưa chuộng. Trước đây đà điểu được bán ra các tỉnh phía Bắc, nhưng rất mừng gần đây một số nhà hàng trên địa bàn huyện, tỉnh đã tìm đến mua về chế biến kinh doanh..

“Nhu cầu vào dịp cuối năm tăng nên HTX chúng tôi vừa nuôi vừa đi thu mua đà điểu từ các hộ khác ở Kỳ Anh, Hương Khê... nhằm đáp ứng cho thị trường.” – Anh Mạnh chia sẻ.

img

Nhiều hộ dân ở Kỳ Hoa nuôi lợn rừng bán vào dịp cuối năm

Gà ri lai, lợn rừng - là một trong những sản phẩm được tiêu thụ mạnh vào dịp trước trong và sau tết. Trong năm 2016, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh đã xây dựng thành công 9 mô hình nuôi gà ri lai thả vườn ở xã Thạch Lâm (Thạch Hà) và xã Cẩm Huy (Cẩm Xuyên). Nhờ chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh hiệu quả, đàn gà lai ri gần 4.000 con đang phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao.

Chủ mô hình nuôi gà lai ri Lê Xuân Hùng (xóm 5, xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên) phấn khởi: Được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ về con giống, thức ăn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sau 3 tháng nuôi đến nay đàn gà hơn 400 con đạt bình quân 1,3kg/con. Đàn gà được chăn thả rông, không cho ăn cám công nghiệp nên chất lượng thịt rất ngon. Gần đây, thương lái đã bắt đầu lên xem để đặt trước với giá bình quân 120 nghìn/kg. Riêng trong xóm cũng đã có khoảng 10 hộ chăn nuôi các loại gà ri, gà khác để bán dịp tết…

img

Chủ mô hình nuôi gà lai ri Lê Xuân Hùng cho biết: Đàn gà được chăn thả rông, không cho ăn cám công nghiệp nên chất lượng thịt rất ngon.

Một số trang trại ở Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh cũng đã bắt đầu xuất những lứa lợn rừng, gà rừng, gà đông tảo… phục vụ các cuộc liên hoan dịp cuối năm, làm quà biếu hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều gia đình trong những ngày tết.

Theo ông Trần Hùng – Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y, những năm qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi, nhất là đối với các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn trong dịp tết. Điều này đã đem lại hiệu quả kinh tế, hướng phát triển cho người dân. Tuy nhiên, để những sản phẩm này thực sự là thế mạnh, chính quyền địa phương nên hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân đăng ký, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, tiêu thụ quanh năm để chăn nuôi phát triển bền vững…