Giới phân tích nhận định, có rất nhiều thách thức mà Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt năm 2017.
Quan hệ đôi bờ eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng, mong manh hơn sau khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump phá vỡ quy tắc nhiều thập niên của Mỹ để đàm thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Đài Loan Tsai Ing-wen và sau đó, tỏ ra nghi ngờ về chính sách "một Trung Quốc" – vốn là nền tảng để Mỹ - Trung bình thường hóa quan hệ vào năm 1979.
Tuy nhiên, những thách thức lớn nhất mà con rồng châu Á sẽ phải đối mặt trong năm tới lại xuất phát từ vấn đề nội bộ, The Strait Times dẫn lời các nhà phân tích cho hay.
Đầu tiên và trươc nhất là sự chuyển đổi lãnh đạo ở Bắc Kinh, dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới, rất có thể vào tháng 11 khi Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra.
Giáo sư Huang Jing của Trường Chính sách Công Ly Quang Diệu nhận định rằng, hiện quá trình tranh giành các vị trí cốt cán đã bắt đầu.
Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lựa chọn và muốn ấn định người kế nhiệm ông tại Đại hội này khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022, nhằm để bảo vệ các di sản của ông trong suốt 2 nhiệm kỳ. Nói cách khác, ông Tập chắc chắn sẽ muốn người kế nhiệm mình tiếp tục duy trì những cải tổ và các chính sách mà ông đã bắt tay thực hiện, Giáo sư Wang Gungwu, Chủ tịch Viện Đông Á tại Singapore chia sẻ.
Trong suốt thời gian đương nhiệm, ông Tập đã ra sức củng cố quyền lực để trở thành lãnh đạo nòng cốt của đảng, giúp ông có đủ thẩm quyền để lựa chọn người kế nhiệm mà ông đã nhắm được. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo chắc chắn ông sẽ thành công.
Có một điều chắc chắn ông Tập sẽ tiếp tục duy trì trong năm mới là chiến dịch chống tham nhũng mà ông đã khởi động kể từ khi lên cầm quyền nhằm mục đích làm trong sạch Đảng Cộng sản Trung Quốc và cải cách nền kinh tế.
Sự kiện xác nhận ông Tập sẽ tiếp tục chống tham nhũng là vào Hội nghị lần thứ 6 của Đảng tháng 10 năm nay, ông đã thay đổi 2 quy tắc và tuyên bố rằng, động thái này là nhằm để củng cố các quy định của pháp luật, tăng cường kỷ luật đảng và loại bỏ hành vi sai trái trong đội ngũ cán bộ, chẳng hạn như “tôn thờ tiền bạc, ham khoái lạc và lãng phí”.
Một thách thức khác cho ông Tập là tiếp tục cải tổ cơ cấu nền kinh tế tại thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm và tình hình toàn cầu biến động. Giáo sư Huang cho biết, sau khi dọn sạch các công ty nhà nước cũng như các chính quyền địa phương, ông Tập đã bắt đầu cải tổ cốt lõi của hoạt động kinh tế, đặc biệt là ngành tài chính, nơi tình trạng tham nhũng cũng rất phức tạp. Theo Giáo sư Huang, đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Ngược lại với những thách thức trong nước, theo các nhà phân tích ông Tập sẽ có thời kỳ dễ chịu hơn trong các quan hệ đối ngoại. Khác với Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump đã làm xói mòn chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ khi từ chối Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Đây được xem là một cơ hội cho Trung Quốc và ông Tập đã nắm bắt rất nhanh thời cơ này. Tại hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Peru mới đây, ông nhấn mạnh cam kết ủng hộ Khu vực Mậu dịch Tự do châu Á-Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, vốn có quy mô nhỏ hơn, không bao gồm Mỹ.
Tuy nhiên, mọi thứ không mang màu hồng. Ông Trump đã đe dọa sẽ đánh thuế cao hơn đối với hang hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ và bày tỏ sự hoài nghi về chính sách “Một Trung Quốc”.
Chưa hết, các láng giềng của Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng bất ổn hơn. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khó lường và không từ bỏ tham vọng hạt nhân; Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị Quốc hội luận tội còn Nhật Bản đang ra sức đẩy mạnh vai trò của quân đội nước này.
Theo Giáo sư Wang, để giải quyết những thách thức bên ngoài, Trung Quốc cần dẹp hết những rắc rối từ bên trong nội bộ của nước này.