Dân đề nghị làm rõ nguồn gốc đất.
Liên quan đến mảnh đất của gia đình anh Trần Thế Quyền và Trần Thị Lý mà báo điện tử Dân việt đã đăng tải ngày 4.10.2016. Trong thời gian qua, sau khi bị chính quyền xã Hòa Hải tổ chức lực lượng cưỡng chế dỡ bỏ công trình của gia đình đang xây dựng trên chính mảnh đất chị đã mua trước đó. Chị Trần Thị Lý đã làm đơn gửi các cấp ở huyện Hương Khê nhưng đến nay nguyện vọng của gia đình vẫn chưa được giải quyết.
Giấy mua bán đất có chữ ký của người bán.
Nói về nguồn gốc của mảnh đất này ông Thái Hồng Vinh (trú tại xóm 9, xã Hòa Hải) khẳng định: “Tôi ở đây từ năm 1993, hồi đó UBND xã đóng ở vùng này và còn mượn nhà tôi để bố trí phòng làm việc. Sau khi xã chuyển ra địa điểm bây giờ họ đã phân lô để bán cho dân. Còn về mảnh đất anh Quyền mà xã vừa cưỡng chế thì trước đây nó là một mảnh đất nối liền chứ không có con đường đi qua như hiện tại.”
Bà Phạm Thị Lợi - sống gần mảnh đất của anh Quyền mua cho hay: “Tôi ở đây từ những năm 80, đúng là trước đây đó là cái vũng lầy chứ chưa có con đường như hiện tại. Con đường trước đây chúng tôi đi vòng phía sau mảnh đất đó.”
Để tìm hiểu rõ về nguồn gốc của mảnh đất trên chúng tôi đã tìm đến ông Trần Quốc Hiền nguyên cán bộ xã Hòa Hải từ năm 1978 đến năm 1995. Sau khi tham gia chiến trường về địa phương ông Hiền đã giữ các chức vụ xã đội trưởng từ 1978 đến 1986, tiếp đó làm Chủ tịch UBND xã từ năm 1986 đến năm 1992, từ năm 1992 đến 1995 ông giữ chức Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hải.
Ông Trần Quốc Hiền, trú tại xóm 9 xã Hòa Hải cho hay: “Sau khi đi bộ đội về tôi có đảm nhiệm một số chức vụ trong UBND xã. Đến năm 1995 do vấn đề sức khỏe nên tôi nghỉ. Mảnh đất vùng đang giải tỏa đó trước đây người dân phở hoang (khai hoang – PV). Hồi đó, UBND xã đóng ở đó, lúc còn đương nhiệm tôi có quy hoạch để đưa Trạm y tế xã và Trường học về gần Ủy ban vì vùng này hầu như không bị ngập lũ. Sau khi tôi nghỉ hưu người khác lên thay thì họ chuyển đổi vùng đó làm khu dân cư, trụ sở UBND xã được chuyển đến địa điểm hiện tại. Việc mua bán đất ở đó tôi cũng không rõ như thế nào, nhưng hồi đó hầu hết các lô đất chủ yếu được bán lại cho cán bộ làm trong ủy ban. Sau này họ mới bán lại cho những người đang sống ở đó hiện nay. Còn một số ô được cấp đền bù cho một số hộ có phần đất UBND xã lấy để làm trụ sở Ủy ban mới. Mảnh đất của anh Quyền mua đúng trước đây là một cái xẹo, không biết việc mua bán giữa ông Hương với Ủy ban xã và giữa ông Hương với anh Quyền như thế nào vì hồi đó chúng tôi không được xem bản đồ quy hoạch và cũng không được thông báo. Ngày trước, con đường người dân đi trong đó nó nằm ven con kênh của mương Đá Hàn có nghĩa là đi giữa mảnh đất đang tranh chấp với hộ anh Truyền (cạnh đó).”
Nhiều người dân đều xác nhận mảnh đất anh Quyền mua là một mảnh liền không có con đường đi qua như hiện nay.
Anh Đặng Tuấn Anh - Người đã mua mảnh đất của anh Quyền, chị Lý cho hay: “Thời điểm tôi mua mảnh vườn đó là một dãy liền kề chứ chưa có con đường đi qua như hiện tại, góc vườn nơi đang tranh chấp đó đang là vũng lầy. Thời điểm đó, anh Quyền có nói tôi lấy luôn góc đó để sử dụng nhưng tôi không lấy nên anh Quyền mới đổ đất để sử dụng. Sau khi tôi mua mảnh vườn đó khoảng 2 năm thì thấy mấy nhà phía sau mở đường đi qua mảnh đất của anh Quyền chứ không đi đường vòng như trước đó”.
Chính quyền vòng vo
Ông Trần Xuân Hương - cán bộ Thủ quỹ xã Hòa Hải người đã bán đất cho anh Quyền xác nhận: “Mảnh đất đó đúng là tôi bán cho anh Quyền, đó là mảnh đất tôi mua lại của UBND xã. Khi tôi mua mảnh đất đó có cả hội đồng xét duyệt. Nhưng hiện nay, giấy nộp tiền mua mảnh đất đó tôi đã làm thất lạc. Giấy mua bán đất anh Quyền đang giữ đó đúng là do tôi ký.”
Trao đổi về những vấn đề về mảnh đất đang tranh chấp trên ông Phạm Đình Thái - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hải lớn tiếng nói: “Sau khi gia đình có đơn phía xã đã có trả lời cho gia đình. Còn nếu gia đình không thỏa mãn thì họ cứ gửi đơn lên cấp cao hơn. Họ thắc mắc nhưng chỉ đưa ra được một tờ giấy viết tay có chữ ký giữa hai bên nhưng tờ giấy đó không có giá trị pháp lý. Trên thực tế ông Hương chưa có quyền sở hữu về mảnh đất đó vì không có bất cứ một bằng chứng gì để chứng minh. Ông Hương cũng chưa bao giờ khẳng định đã bán mảnh đất đó cho anh Quyền. Chính quyền xã cũng chưa có cuộc làm việc nào liên quan đến mảnh đất nêu trên mà có mặt ông Trần Xuân Hương cả. Phía anh Quyền có những người làm chứng thì phía chúng tôi cũng có các nhân chứng”.
Con đường trước đây được người dân xác nhận là đi theo bờ tường rào lại cây dừa.
Khi PV đưa ra bằng chứng trong cuộc làm việc trước đó giữa các bên liên quan đến mảnh đất đó thì chính ông Trần Xuân Hương đã khẳng định trong cuộc làm việc rằng mảnh đất đó chính ông mua lại của UBND xã và bán lại cho anh Quyền (thể hiện trong biên bản làm việc ngày 27.5.2016) và cuộc làm việc đó có sự hiện diện của chính ông Thái. Lúc này ông Thái mới im lặng.
Tiếp tục làm việc với cán bộ địa chính xã thì chúng tôi nhận được câu trả lời do việc bàn giao hiện nay vẫn chưa thực hiện xong và hiện nay máy tính đang trục trặc nên không thể cung cấp bản đồ quy hoạch cho PV được.
Trao đổi về vấn đề này ông Phan Quốc Lập - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hương Khê cho hay: “Chúng tôi cũng đã nhận được đơn thư của công dân. Theo chủ trương thì năm 2013 đến nay đang tập trung hoàn thiện hồ sơ để cấp sổ đỏ cho toàn dân. Nếu như gia đình chưa có bất kỳ giấy tờ gì về mảnh đất nhưng họ đã sử dụng lâu nay và không có tranh chấp thì chỉ việc họp dân và lấy ý kiến khu dân cư về nguồn gốc mảnh đất đó. Và tờ giấy mua bán đất đó cũng là một cơ sở để xác định nguồn gốc của mảnh đất. Theo quy định thì những mảnh đất có diện tích 50m2 trở lên thì sẽ được cấp sổ đỏ. Nếu như lãnh đạo xã và cán bộ địa chính không nắm được sự việc và trả lời báo chí rằng không biết gì về lịch sử mảnh đất là không được. Chúng tôi sẽ làm việc với chính quyền và người dân để làm sáng tỏ vấn đề, ai sai ở đâu thì phải chịu trách nhiệm.”