Ông Ma Văn Nhật đã được lấy kéo trong bụng bị bác sĩ bỏ quên 18 năm trước
Tháng 6/1998, ông Ma Văn Nhật (Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) bị tai nạn giao thông vào tháng được đưa đến Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn mổ.
Sau khi về nhà, ông Nhật vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường, cũng không thăm khám lại. Đến nay, sau 18 năm, trong một lần đi khám sức khỏe, các bác sĩ phát hiện ông Nhật vẫn có một chiếc kéo trong bụng.
Đến thời điểm này, ông Nhật đã được GS.TS.Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật lấy chiếc kéo ra khỏi ổ bụng.
Về sự việc này, trao đổi với phóng viên ngày 3/1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhận định: “Đây là một sự cố y khoa đáng tiếc đối với ngành y. Tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng chắc chắn đây là sai sót của kíp mổ. Nhân viên y tế không kiểm tra, đối chiếu, không tuân thủ quy trình thì phải xử lý”.
Ông Quang nói tiếp: Về sự việc này, do thời gian xảy ra sự cố diễn ra quá lâu nên bệnh viện phải đứng ra chịu trách nhiệm và nhận lỗi với người bệnh.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho rằng, sau này xác định được cá nhân liên quan thì cá nhân đó và bệnh viện cùng chi trả đền bù, nhưng đó là việc nội bộ của bệnh viện. Ở trường hợp cụ thể của ông Nhật, kể cả trường hợp không tìm được hồ sơ bệnh nhân thì bệnh viện vẫn phải đền bù.
Cũng theo ông Quang, mức độ đền bù tùy thuộc vào thái độ của bệnh viện. Trong trường hợp bệnh viện thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ bệnh nhân, tai biến cũng không nặng nề thì hai bên có thể thỏa thuận.
Qua sự việc, đại diện Vụ Pháp chế khuyến cáo, để hạn chế tối đa sự cố y khoa, nhân viên y tế cần nắm vững các quy trình chuyên môn về phẫu thuật.
“Nếu nắm được rồi thì phải tuân thủ, không được chủ quan, sai sót về mặt chuyên môn”, ông Quang nói.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, trong lĩnh vực ngoại khoa, nếu không thực hiện đúng quy trình và theo dõi, chẩn đoán chăm sóc chu đáo rất dễ xảy ra tai biến.
“Sự việc bỏ quên kéo trong bụng bệnh nhân là bài học cho Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn nói riêng và cho các bác sỹ và các cơ sở khám chữa bệnh nói chung trong việc thực hiện đảm bảo an toàn người bệnh”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Tuy nhiên, ông Lương Ngọc Khuê cũng lý giải, xảy ra tai biến y khoa có thể do điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện, cơ sở y tế chưa đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị, kiểm soát nhiễm khuẩn, nhân lực..., cán bộ y tế chưa quan tâm nhiều đến an toàn người bệnh, không chấp hành đúng quy trình chăm sóc, điều trị, thực hành kỹ thuật y khoa….
Tại BV Bạch Mai – Bệnh viện lớn nhất khu vực miền Bắc, ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, hiện nay các êkíp liên thông công việc, sau khi nhóm phẫu thuật hoàn tất ca mổ sẽ đếm lại gạc và dụng cụ, sau đó bàn giao dụng cụ cho nhóm rửa dụng cụ.
Nhóm rửa sẽ phải đếm lại dụng cụ lần nữa, lúc đó nếu thiếu họ sẽ chụp X-quang tại giường cho bệnh nhân và xác định quên sót hay không ngay, không để thể như trường hợp của ông Nhật.
Theo ông Dương Đức Hùng, trong tương lai nếu coi ngành y là ngành cung cấp dịch vụ, thì rất cần có luật và quy định rõ ràng về tai biến y khoa, tránh tình trạng các bên đều lúng túng khi không có cơ sở để xử lý theo pháp luật.