Dân Việt

Gạo, thủy sản XK bị trả về: Của “thiên hạ chê” tiêu thụ ở đâu?

Thuận Hải 04/01/2017 16:06 GMT+7
Những lô hàng nông sản xuất khẩu bị nước nhập khẩu trả về được doanh nghiệp “phù phép”, “biến hóa” tiêu thụ như thế nào luôn là vấn đề khiến người tiêu dùng quan tâm. Đã có những lô hàng sau khi bị trả về, doanh nghiệp đưa ra thị trường trong nước tiêu thụ.

Cuối năm 2016, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo Việt Nam xôn xao trước thông tin phía Mỹ cảnh báo và trả về nhiều lô hàng gạo xuất khẩu vào thị trường này. Lý do được phía Mỹ đưa ra là có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản phẩm. Đến mức Bộ NNPTNT phải ra công văn đề nghị doanh nghiệp cẩn trọng hơn trước khi bị phía Mỹ “cấm cửa” mặt hàng gạo.

img

Theo giải thích của các doanh nghiệp, những lô hàng bị nước này trả về nhưng vẫn được nước khác chấp nhận.

Đã có 17 doanh nghiệp xuất khẩu gạo vào Mỹ bị trả về vì lý do tồn dư thuốc BVTV. Số liệu này lớn hơn rất nhiều so với lượng gạo bị trả về trong 2 năm trước đó.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho rằng, hầu hết số gạo bị trả về do vi phạm quy cách đóng gói hoặc doanh nghiệp vi phạm hợp đồng đã ký kết. Chỉ có 6/29 lô hàng bị trả về do chứa dư lượng thuốc BVTV.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là gạo xuất khẩu sang Hoa Kỳ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Bởi ở Hoa Kỳ, có một số hoạt chất BVTV chưa xây dựng quy định về mức tồn dư tối đa cho phép là bao nhiêu nên chỉ cần phát hiện hàng nhập khẩu có tồn dư dù ít hay nhiều là họ trả lại.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp có một số lô gạo bị trả về do nhiễm dư lượng Isoprothiolane cho rằng, với những lô hàng bị Mỹ trả về, Lộc Trời chế biến lại và xuất khẩu sang các thị trường khác dễ tính hơn, chấp nhận mức tồn dư hoạt chất này.

Không chỉ gạo, Việt Nam hiện đang nằm trong số 3 quốc gia có số lượng hàng thủy sản bị trả về nhiều nhất tại các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Nhật, EU. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về. Nguyên nhân chủ yếu là do không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư một số kháng sinh…

Đại diện Cục Thú y cũng cho rằng, các lô hàng thủy sản bị trả về có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng quy định ở nước này nhưng nước khác vẫn chấp nhận, do vậy, số hàng trên sẽ được mang về tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang các nước khác.

Ngoài nguyên nhân tồn dư các chất kháng sinh vượt mức cho phép, hàng thủy sản bị trả về còn do một số nguyên nhân khác như tàu đưa nhầm cảng, bao bì, nhãn mác không đúng tiêu chuẩn, bị rách, ghi sai quy cách. Những lô hàng dạng này sẽ được tiêu thụ như bình thường tại thị trường nội địa.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho rằng, nhiều lô hàng thủy sản chỉ bị trả về do nhiễm vi sinh hoặc đóng gói sai quy cách, dán nhãn sai… Đối với các lô tôm, cá nhiễm vi sinh, chỉ cần… luộc lên là có thể ăn được.

Ngược lại, với những lô hàng nhiễm dư lượng kháng sinh độc hại, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải giám sát kiểm tra hoặc tiêu hủy nếu cần thiết, tuyệt đối không được bán ra thị trường.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, bằng trực quan, dường như không thể nhận biết được thủy sản có nhiễm kháng sinh hay không. Do đó, nếu doanh nghiệp có “tiếc của”, tuồn hàng ra thị trường thì người tiêu dùng cũng không thể nhận biết được.

Có lần, Công ty tư nhân Vĩnh Nghiệp (Vĩnh Long) xuất khẩu một lô hàng trứng vịt muối sang Singapore, bị nước này trả về do trứng nhiễm sudan (chất giúp tạo màu cho lòng đỏ trứng nhưng độc hại). Sau khi bị trả về, doanh nghiệp này đã cho công nhân bóc vỏ, lấy lòng đỏ trứng bán lại cho các cơ sở chế biến bánh để làm nhân. Thông tin này khiến người tiêu dùng phẫn nộ.

Thế nhưng, theo đại diện doanh nghiệp này, quy định ở Việt Nam và Singapore khác nhau về tỷ lệ sudan tồn dư trong sản phẩm, dù bị Singapore trả về nhưng xét nghiệm ở Việt Nam cho kết quả phù hợp thì... trứng vẫn có thể tiêu thụ.