Theo ông Toàn thì lãnh đạo Công ty Bảo Minh Quảng Ngãi-Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (gọi tắt là Bảo Minh Quảng Ngãi), không thể đưa ra lý do tin vào lời ngư dân kê khai giá trị phương tiện khi đến đóng bảo hiểm tàu cá trên địa bàn Quảng Ngãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là "Nghị định 67"); không đủ người để thẩm định, đối chiếu lại... để rồi sau khi xảy ra sự cố lại đưa ra đủ lý do giảm mức bồi thường so với hợp đồng mà 2 bên đã kí kết được.
Trụ sở Bảo Minh Quảng Ngãi (ảnh to) và ông Bính (ảnh nhỏ).
"Không có cơ quan, hay quy định nào bắt buộc Bảo Minh Quảng Ngãi kí hợp đồng bảo hiểm, với mức 100% khi chưa thẩm định, đối chiếu lại với lời khai giá trị tàu trước đó của chủ tàu Dần. Và thời điểm kí kết trước đó, Bảo Minh Quảng Ngãi cũng không có ý kiến gì và thu đủ tiền đóng bảo hiểm đủ của chủ tàu Dần và cả phần nhà nước hỗ trợ. Còn nếu nói trước khi xảy ra tai nạn chìm tàu, Bảo Minh Quảng Ngãi cho rằng đã có thông báo cho ngư dân Dần về việc điều chỉnh số tiền bảo hiểm giảm xuống cho phù hợp, thì số tiền thừa đã thu dư ra đến thời điểm này được trả lại cho chủ tàu Dần, nhà nước chưa, hay đó chỉ là báo cáo từ phía Bảo Minh Quảng Ngãi mà thôi...", ông Toàn thẳng thắn.
Riêng về nội dung mà Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng "có sự gia tăng bất thường" về số vụ tổn thất và số tiền bồi thường sau khi triển khai bảo hiểm tàu cá theo "Nghị định 67", với nội dung: "...qua hơn 1 năm triển khai bảo hiểm tàu cá theo 'Nghị định 67", Quảng Ngãi xảy ra 30 vụ tổn thất toàn bộ với số tiền bồi thường khoảng 37 tỷ đồng. Nhưng trước đó năm 2014, chỉ có 2 tàu cá tham gia bảo hiểm bị tổn thất toàn bộ với số tiền bồi thường 2,8 tỉ đồng. Năm 2012 và 2013, không có vụ tàu cá tham gia bảo hiểm nào bị tổn thất toàn bộ...".
Văn bản Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi giải thích việc từ chối mức bồi thường 100% cho chủ tàu Dần.
Ông Toàn bày tỏ: "Số tàu thuyền gặp nạn của ngư dân Quảng Ngãi năm nào cũng phải tính bằng con số hàng chục, vài chục chiếc. Thế nhưng, vì nhiều lý do nên chủ phương tiện có đóng bảo hiểm đâu mà báo và yêu cầu bồi thường, vì thế số tiền bảo hiểm"đền" ít là đúng. Thế nhưng khi triển khai bảo hiểm theo 'Nghị định 67", số tàu tham gia đông, thì khi bị nạn chủ phương tiện báo và bảo hiểm phải chi trả nhiều là điều dĩ nhiên. Theo tôi hoàn toàn không có chuyện gia tăng bất thường nào như 2 doanh nghiệp bảo hiểm nêu trong báo cáo trên".
Như đã phản ánh, vào ngày 12.8.2016, khi đang trên đường từ Trường Sa vào Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tàu cá QNg 95139 TS, công suất 711 Cv, do ngư dân Huỳnh Dần (50 tuổi), ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, làm chủ bị lốc đánh chìm phương tiện. Rất may mắn là toàn bộ thuyền viên được tàu cá ở gần cứu sống
Dù trước đó chủ tàu Dần đã đóng bảo hiểm thân tàu theo 'Nghị định 67", đủ số tiền theo qui định, với mức bồi thường khi bị thiệt hại là 100% là 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, với những lý do đưa ra như nêu trên, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh ra thông báo cho chủ tàu Dần số tiền bồi thường là 1,75 tỉ đồng, chỉ hơn khoảng ½ so với hợp đồng kí kết, gây nhiều bức xúc trong dư luận ở địa phương.