Dân Việt

Những vụ mất tiền đình đám trong năm 2016

Hoàng Thắng (tổng hợp) 06/01/2017 07:20 GMT+7
Năm 2016 đã xảy ra khá nhiều vụ tiền trong tài khoản, thẻ của khách hàng bỗng dưng "không cánh mà bay", dù thẻ vẫn nằm trong ví của khách hàng và bản thân chủ thẻ không thực hiện giao dịch. Đặc biệt, thời gian giải quyết các vụ việc kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến người gửi tiền.

img

Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân trao đổi với báo chí

Trước những sự việc trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các ngân hàng tăng cường an ninh mạng và bảo đảm an toàn tài sản cho khách hàng, “không để tình trạng khách hàng đột ngột mất tiền trong tài khoản”. Cùng  Dân Việt điểm lại một số vụ mất tiền  nổi bật.

Công ty Quang Huân "mất" hơn 26 tỷ đồng

Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (TP.HCM) mở tài khoản tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) từ cuối tháng 3.2015. Trong mùa mua bán nông sản, tài khoản của công ty này có khoảng 26 tỷ đồng do khách hàng thanh toán tiền hàng.

Song tới tháng 7.2015, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân đến rút tiền thì 26 tỷ đồng trong tài khoản đã bất ngờ biến mất. Kiểm tra sao kê tài khoản cho thấy việc ký, chi séc diễn ra liên tục, dù bà Xuân chưa hề mua séc lần nào. Người mua séc của công ty bà chính là nhân viên VPBank Đoàn Thị Thúy Hằng và người rút séc là chồng bà Hằng, tên Nguyễn Huy Nhựt, cùng 2 người bạn tên Đỗ Đình Bảo, Phạm Văn Trinh.

Khách hàng chuyển vào tài khoản bà Xuân bao nhiêu thì Nhựt, Bảo, Trinh dùng séc để rút tiền mặt hoặc chuyển vào Công ty Thanh Tâm, do vợ Phạm Văn Trinh đứng tên. Trong khi đó, dù đăng ký thông báo Mobile banking vào số điện thoại nhưng bà Xuân không hề nhận được bất kỳ tin nhắn nào về các giao dịch trên.

Liên quan tới vụ việc này, công an TP.HCM đã xác nhận phối hợp với VPBank điều tra, làm rõ. VPBank cho biết nhân viên Đoàn Thị Thuý Hằng không đứng tên mua séc mà chỉ đứng tên nhận hộ séc theo chỉ định của Công ty Quang Huân. Việc mua séc của Công ty Quang Huân được chính đơn vị này thực hiện. Đề nghị mua séc thể hiện trên chứng từ, tài liệu lưu trữ cũng được ký, đóng dấu bởi đại diện theo pháp luật của Công ty Quang Huân.

Ngân hàng cho hay, việc bán séc cho doanh nghiệp được thực hiện theo đúng đề nghị, đúng quy định. Quyển séc cũng được giao cho người nhận do công ty này chỉ định. Sau đó, người nhận chuyển quyển séc đã mua cho Trinh, kế toán công ty và Trinh chuyển lại ngay cho bà Xuân, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này.

Về việc “mất tiền” trong tài khoản, VPBank cho hay tài khoản của Quang Huân đã được thực hiện giao dịch, chuyển, rút tiền bởi các lệnh thanh toán hợp pháp của chủ tài khoản là công ty này. Trong đó, các giao dịch rút séc đề cập trong đơn tố cáo đều được thực hiện tại chi nhánh khác của ngân hàng chứ không phải tại VPBank Tân Phú. Việc thanh toán séc, theo ngân hàng, cũng được thực hiện đúng quy định.

“Chúng tôi thực hiện thanh toán, chi trả séc theo đúng quy định, trả đúng cho người thụ hưởng được ghi trên séc do Công ty Quang Huân phát hành”, đại diện ngân hàng chia sẻ với báo chí, ngay sau thông tin 26 tỷ đồng biến mất.

Trong văn bản phản hồi, VPBank cũng dẫn ra nhiều chi tiết, bằng chứng cho thấy tố cáo, khiếu nại của bà Xuân liên quan đến giao dịch, giao dịch tài khoản, mất tiền trên tài khoản của Công ty Quang Huân có nhiều điều không chính xác, không rõ ràng, nghi vấn.

Chủ thẻ Vietcombank mất 500 triệu

Đêm ngày 4.8, dù không giao dịch gì nhưng tài khoản của chị Na Hương (Hà Nội) bỗng dưng bị trừ số tiền 100 triệu đồng. Đến 5h17 ngày 5.8, tài khoản của chị Hương lại tự động thực hiện thêm 3 giao dịch qua Internet Banking, mỗi giao dịch trừ thêm 100 triệu đồng nữa.

img

Khách hàng bị mất 500 triệu đồng mà không nhận được tin nhắn OTP.

Tổng cộng sau 7 giao dịch như thế, tài khoản của chị bị trừ 500 triệu đồng. Chị Hương cũng nhận được tin nhắn từ ngân hàng báo số dư tài khoản qua email, nhưng không báo bằng tin nhắn mã OTP như thường có khi giao dịch.

Thấy bất thường, chị gọi điện cho Vietcombank để thông báo và khóa tài khoản vào 7h50, ngày 5.8. Đến sáng ngày 8.8, sau khi yêu cầu chị Hương làm đơn tra soát, phòng giao dịch Vietcombank ở Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) đã chuyển lại số tiền 300 triệu đồng cho chị Hương,  nhưng 200 triệu đồng còn lại của chị vẫn chưa thể tìm ra tung tích

Sáng 12.8, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết đã yêu cầu Vietcombank phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ phản ánh của khách hàng H.T.N.Hương.

Tiền tỷ “không cánh mà bay”

Bà T.T.T.Phúc (Hà Nội) cũng bị mất tiền vô lý tại NH TMCP Sài Gòn (SCB). Theo đó bà gửi tiền tại Phòng giao dịch Nguyễn Khuyến (Hà Nội) của SCB hơn 4,2 tỉ đồng để chuẩn bị mua nhà. Ngày 19.11.2015, bà Phúc ra SCB rút tiền thì được biết ngày 5.10.2015 số tiền này đã được chuyển qua một tài khoản khác tên Hà. Bà Phúc kể phía SCB đưa cho bà một bản photocopy giấy ủy nhiệm chi có chữ ký giống chữ ký của bà nhưng camera giám sát tại thời điểm đó người giao dịch là một nam giới. “NH khăng khăng đã thực hiện chuyển tiền theo ủy quyền của tôi cho người đàn ông đó nhưng không xuất trình được hợp đồng ủy quyền của tôi theo quy định của pháp luật. SCB xác nhận việc ủy quyền bằng cách cho nhân viên gọi điện cho tôi để hỏi có ủy quyền cho người đàn ông đó. Thực tế tôi không nhận được cuộc gọi nào từ SCB và khi yêu cầu cho nghe băng ghi âm thì SCB từ chối”, bà bức xúc kể. Bà Phúc cho rằng SCB làm sai quy trình dẫn đến thất thoát 4,2 tỉ đồng của bà.

SCB đã từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhân viên SCB có làm đúng quy trình chuyển tiền đối với tài khoản của bà Phúc, với lý do vụ việc đang được cơ quan công an điều tra.

Theo một luật sư, NH không thể “phủi” trách nhiệm của mình trong các vụ việc xảy ra bằng cách thoái thác sự việc đang được cơ quan công an điều tra. Trách nhiệm của NH là quản lý tiền của người gửi tiền. Khi các chứng từ chuyển tiền hay rút tiền không hợp lệ mà vẫn tiến hành thực hiện, NH phải chịu trách nhiệm. Một vụ việc khi có cơ quan công an tham gia thì thời gian sẽ rất dài làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người gửi tiền.