KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội. (Ảnh: H.P)
Sau phát biểu “dậy sóng” của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong buổi làm việc với Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, trong đó có đánh giá: Hà Nội đang phải trả giá vì đã quy hoạch theo kiểu băm nát thành phố, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với KTS Trần Huy Ánh.
Ông là Ủy viên BCH Hội kiến trúc sư Hà Nội, cũng là người tâm huyết và nhiều năm nghiên cứu về vấn đề quy hoạch, kiến trúc đô thị của Hà Nội.
Quan trọng là dám nhìn thẳng vào sự thật
Chiều 4.1, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phát biểu tại buổi tổng kết của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội rằng quy hoạch Hà Nội nói chung, kể cả quy hoạch lõi có những vấn đề đang chệch hướng và chúng ta phải trả giá vì đã quy hoạch băm nát Hà Nội. Ông đánh giá như thế nào về phát biểu của người đứng đầu thành phố?
- Tôi cho rằng đây là một phát biểu chính xác. Khi những người đứng đầu thành phố đã nhận ra những “bệnh tật” đang tồn tại bên trong thành phố thì họ sẽ sửa chữa được.
Việc nhận ra vấn đề chưa bao giờ là quá muộn. Tất cả các đô thị đều phải trải qua những cuộc cách tân liên tục, không ngừng nghỉ. Trong số đó, phần đông các đô thị gặp thất bại, chỉ có một số ít tìm thấy thành công. Song điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta được phép dừng lại.
Cũng phải nói thêm, không có điều gì là đúng tuyệt đối. Thành phố là một tổ hợp đa ngành, nơi chia sẻ lợi ích cho hàng triệu người. Trong cuộc chơi lớn đó, không dễ gì tìm được những người đủ can đảm, trách nhiệm, tầm nhìn… để giải quyết tốt mọi vấn đề cả. Quan trọng dám nhìn thẳng vào sự thật.
Nói thẳng ra, có thể hơi khó nghe, nhưng biết nhìn ra vấn đề dù muộn vẫn hơn là dù biết là “hỏng” nhưng vẫn cố tìm cách kiếm lợi trên cái “hỏng” đó. Thái độ đó mới là vô trách nhiệm và tàn nhẫn với Hà Nội.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định: Chúng ta đang phải trả giá vì đã quy hoạch theo kiểu băm nát Thủ đô. (Ảnh: Zing)
Thưa ông, đây có phải là lần đầu tiên những người có trách nhiệm của Hà Nội chỉ ra thực trạng này của quy hoạch Thủ đô?
- Thực ra, vấn đề này đã được nhiều người đề cập. Nhưng dường như lần này Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tỏ ra cứng rắn và dứt khoát hơn khi chỉ thẳng ra những “virus” đang tồn tại trong “cơ thể” quy hoạch Thủ đô. Tuy nhiên, tôi cũng không dám kỳ vọng quá nhiều. Thậm chí tôi cùng có nỗi lo là liệu rồi Hà Nội có thể sẽ sửa chữa sai lầm cũ bằng một sai lầm mới?
Những tuyên bố của những người có trách nhiệm có thể khiến chúng ta cảm thấy phấn khích, tin tưởng. Song chặng đường phía trước còn rất dài. Việc quy hoạch, phát triển đô thị vẫn là sản phẩm của một nền kinh tế tập trung, bao cấp. Do đó, kịch bản phát triển rất dễ rơi vào tình trạng lãng mạn hóa, duy ý chí.
Trong khi đó, phát triển đô thị, phát triển bất động sản lại tuân theo quy luật thị trường. Quy luật thị trường chỉ quan tâm tới việc sản xuất ra những sản phẩm bán được, còn bán được là còn sản xuất.
Trong một cuộc chơi lớn như vậy, các sản phẩm của bao cấp, duy ý chí và lãng mạn hóa kia rất dễ bị dẫn dắt bởi thị trường, lợi ích nhóm, lợi ích trước mắt, phi công cộng.
Bởi, những bản quy hoạch vốn được đưa ra nhằm giúp tất cả nhìn thấy những lợi ích lâu dài, trong đó chứa đựng trách nhiệm cộng đồng - xã hội rất cao. Song bản quy hoạch vốn chỉ là một bức tranh vẽ. Nếu đặt bức tranh vẽ đó trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và sự phát triển của bất động sản theo định hướng kinh tế thị trường thì lại thấy không hề tương thích. Nếu tiếp tục điều chỉnh mối quan hệ đầy mâu thuẫn này bằng “tinh thần, trách nhiệm” hay “vì lợi ích chung mà quên đi lợi ích nhóm” thì quả thực là không có cơ sở.
Tắc đường ngày càng nhiều một phần do quy hoạch đô thị Hà Nội bị "băm nát". (Ảnh: I.T)
Xin đừng nhắc tới “đức trị”...
Vậy thưa ông, công cụ, giải pháp để điều chỉnh tình trạng quy hoạch bừa bãi và băm nát Thủ đô như chính Chủ tịch Hà Nội cho biết vừa qua?
- Tôi không biết trong tương lai có còn phép màu nào cho Hà Nội không? Nhưng hiện nay người xây dựng thành phố không nhiều, còn người tìm cách điều chỉnh, băm nát quy hoạch lại không ít. Vậy thì tương lai của Hà Nội sẽ ra sao nếu không có thay đổi mạnh về tư duy? Ít nhất, số người xây dựng, kiến tạo phải nhiều hơn số người làm hỏng thành phố thì mới có thể giải quyết bài toán khó này.
"Dường như lần này Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tỏ ra cứng rắn và dứt khoát hơn khi chỉ thẳng ra những “virus” đang tồn tại trong “cơ thể” quy hoạch Thủ đô. Tuy nhiên, tôi cũng không dám kỳ vọng quá nhiều. Thậm chí tôi còn có nỗi lo là liệu rồi Hà Nội có thể sẽ sửa chữa sai lầm cũ bằng một sai lầm mới?". KTS Trần Huy Ánh |
Theo tôi, hãy coi việc cấp phép trong quy hoạch là một cuộc mua bán, đừng nghĩ đó là sự xin - cho. Cụ thể ở đây là chúng ta mua bán những không gian dự trữ của đô thị. Không gian dự trữ được bán đi bằng tiền, nhưng lại lấy lại những tài sản khác của đô thị là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Vậy nên, giá bán không gian dự trữ phải cân bằng. Khi bán đi không gian dự trữ, ta phải lấy lại được những giá trị đằng sau như giá trị lịch sử, văn hóa và cả hạ tầng đô thị. Ví dụ như khi cần xây một ngôi nhà để bán, anh phải phá bỏ một di sản thì anh phải trả cả phần giá trị mất đi của lịch sử di sản.
Ngoài ra, với quản lý đô thị, xin đừng nhắc tới “đức trị”, mà phải quan tâm tới “pháp trị”, “kỹ trị”. Bởi trong nền kinh tế thị trường, mọi hoạt động mua bán đều phải diễn ra sòng phẳng và minh bạch theo đúng quy luật của nó. Hầu hết nhà đầu tư ưu tiên cho lợi nhuận chứ không lưu tâm tới quy hoạch kiến trúc, mỹ quan đô thị. Vậy nên, những nhà quản lý quy hoạch cần tránh rơi vào cảnh “đồng sàng dị mộng”.
Ngoài việc các cơ quan quản lý liên tục điều chỉnh quy hoạch, không thể không nhắc tới tác động của các đại gia bất động sản đối với các chính sách quy hoạch. Nhiều khi chính họ đã tạo nên những “dị dạng” giữa lòng nội đô. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Việc những khu chung cư dành cho người thu nhập thấp do một số đại gia xây dựng tôi cùng từng trao đổi với báo chí. Tôi cũng từng hỏi: Tại sao người ta có thể đối xử với một đô thị theo cách tàn nhẫn như vậy?
Ví dụ như khu đô thị Linh Đàm, nơi chung cư cao tầng được xây với mật độ dày đặc. Mỗi lần con cái hay người thân của tôi xuống khu vực này, tôi đều nhắn họ phải đứng cách xa các tòa nhà chung cư, rồi gọi người cần gặp xuống bởi việc bước vào những tòa nhà chung cư đó là rất nguy hiểm. Mạng sống của những người đang sinh sống trong các tòa nhà chung cư này dường như không được tôn trọng, chú ý.
Khi tham gia Hội đồng nghiệm thu đề tài nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người nghèo... Tôi cũng từng nói rằng tới một ngày nào đó chúng ta cần công bố đề tài này với mọi người và hỏi rằng có cần thiết phải xây dựng những ngôi nhà như vậy không bởi nhiều nước trên thế giới đã phá bỏ những ngôi nhà này đi rồi, nó sẽ trở thành gánh nặng cho toàn xã hội trong tương lai. Những tòa chung cư giá rẻ mà Hà Nội đang mọc lên nhan nhản rồi cũng sẽ có số phận tương tự.
Với câu hỏi “những tòa chung cư giá rẻ này ra đời thông qua con đường nào?”, tôi cho rằng những người đã cho phép chúng ra đời cần có trách nhiệm nên trả lời với toàn xã hội. Họ cũng cần trả lời câu hỏi: “Tại sao họ cho phép chúng ra đời?”.
Vẫn tồn tại tư duy “bóc ngắn cắn dài”
Xu hướng các cao ốc mọc lên bên trong nội đô dường như là sự phát triển tất yếu của một đô thị đang trong quá trình hiện đại hóa. Nhưng việc quy hoạch lại không đồng bộ với hạ tầng giao thông nên gây ra cảnh ùn tắc giao thông và nhiều hệ lụy khác. Liệu Hà Nội đã phát triển đúng với mục tiêu hướng tới một đô thị hiện đại, văn minh chưa?
- Nếu nói Hà Nội là một đô thị hiện đại, văn minh thì đó mới chỉ là mơ ước thôi. Người dân ra đường không có đường để đi, chất lượng không khí kém đi so với trước đây, nhà cháy thì rất khó để cứu chữa, tần suất cháy tương đối nhiều... Điều này có nghĩa chất lượng sống, môi trường sống đô thị đang có vấn đề.
Thành phố xuất hiện nhiều nhà cao tầng là biểu hiện của một đô thị nén, có công nghệ xây dựng phát triển. Nếu so sánh về độ cao của những tòa cao ốc và số lượng cao ốc thì Hà Nội chưa thể so sánh với Hồng Kông. Nhưng hai thành phố lại hoàn toàn khác nhau. Ở Hồng Kông, hạ tầng luôn đồng bộ với đà tăng của mật độ dân số. Rất hiếm khi người ta chứng kiến cảnh tắc đường ở Hồng Kông. Còn ở Hà Nội, người ta lại xẻ đất ra để bán, xây chung cư. Rồi người người đua nhau đặt chỗ, đặt tiền để mua nhà, tới khi mua được nhà rồi lại kêu là không có đường giao thông.
Nhìn rộng ra, đây là hai mặt của một vấn đề. Ở nước ta vẫn tồn tại tư duy “bóc ngắn cắn dài”, nhà đầu tư chỉ tập trung kiếm lợi trước mắt. Còn bán được nhà họ cứ xây, kể cả tắc đường họ vẫn làm. Rồi chính những người mua nhà sẽ phải chịu ảnh hưởng bởi điều này khi xảy ra ngập lụt, ách tắc giao thông, cháy nổ... Các cơ quan quản lý Nhà nước - những người cầm cân nảy mực phải nhìn xa trông rộng, để xây dựng một kế hoạch quy hoạch tổng thể hợp lý, kịch bản phát triển bền vững.
Vậy đâu là bài toán cho tình trạng cao ốc mọc tràn làn giữa những khu phố đông đúc?
- Hà Nội là thủ đô của cả nước, chính quyền thành phố phải có trách nhiệm hơn, phải là tấm gương để các địa phương khác noi theo. Hà Nội cần giải quyết vấn đề sao cho các chung cư cao tầng trong thành phố đồng bộ với hệ thống giao thông đang dần được cải thiện.
Trụ sở của các cơ quan Nhà nước, nhà máy đã chuyển ra bên ngoài thành phố cần trả lại cho thành phố để sử dụng làm không gian công cộng. Ví dụ như trụ sở cũ của mốt số bộ ngành dù đã chuyển ra nơi khác nhưng vẫn được duy trì với vài người tới làm việc? Trong khi tài sản của xã hội ngày càng hiếm thì chúng ta lại để phung phí.
Ngay cả quỹ đất Trung ương đã giữ của Hà Nội cũng cần có một thái độ dứt khoát, để người dân có niềm tin rằng quy hoạch là có thật, có ích, có thể phát triển được. Đừng để người dân nghĩ rằng đó là quy hoạch, vẽ vời trên giấy cho vui.
- Xin cảm ơn KTS!
"Theo tôi, ở một thành phố văn minh, con người cần sống thân thiện, hòa đồng với nhau hơn. Môi trường sống, chất lượng sống tốt hơn, cơ hội sinh kế cao hơn, đời sống văn hóa, lịch sử, di sản được tôn trọng đúng mức... Chứ ở một thành phố mà con người lại phá bỏ di sản để xây nhà hàng, khách sạn thì đó là cách phát triển của một thành phố lạc hậu". KTS Trần Huy Ánh |