Tại buổi họp báo ngày 4.1, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết NHNN bổ sung Sacombank và DongABank vào danh sách các ngân hàng cần có biện pháp xử lý trong năm 2017. Ba ngân hàng được nhận diện trước đó bao gồm 3 ngân hàng 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CB), OceanBank và GPBank. NHNN đã trình các phương án xử lý lên Bộ Chính trị để giải quyết những vấn đề ở cả 5 ngân hàng này.
“Trong khi chi tiết cụ thể và bản chất của các phương án đề xuất vẫn chưa được công bố, không loại trừ khả năng tiến hành các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A)”, HSC nhận định.
Theo HSC, Sacombank đang đối mặt với giai đoạn khó khăn trong giai đoạn 5-6 năm qua và dường như cần ít nhất một vài năm nữa với gánh nặng dự phòng trước khi có thể hoạt động bình thường trở lại.
Sacombank vẫn chưa công bố báo cáo kiểm toán cuối năm 2015 hay báo cáo 6 tháng đầu năm 2016 và cũng không có thông tin cụ thể nào được đưa ra. Tuy nhiên, điều chắc chắn là ngân hàng đang chịu gánh nặng lớn từ các khoản nợ xấu lớn, các khoản trái phiếu VAMC cộng với số dư lãi dự thu khổng lồ từ SouthernBank mang sang sau sáp nhập.
“Do đó, có vẻ như phần lớn thu nhập hoạt động của Sacombank đã bị khấu trừ bởi việc thoái lãi dự thu và trích lập các chi phí dự phòng lớn. Và xét về triển vọng tương lai, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong vài năm nữa. Trong khi đó, không có thông tin rõ ràng về tình hình tài chính hiện tại và giá trị hợp lý của các tài sản đảm bảo (phần lớn là bất động sản) của Sacombank”, HSC nhận định.
Sau sáp nhập, các cổ đông của SouthernBank được nhận 300 triệu cổ phiếu STB của Sacombank với tỷ lệ hoán đổi là 1 cổ phiếu SouthernBank = 0,75 cổ phiếu STB. Tuy nhiên, sổ cổ phiếu mới này vẫn chưa được niêm yết trên HSX do Sacombank chưa công bố được báo cáo kiểm toán.
Cổ đông chính hiện tại là NHNN sau khi đã nhận chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ cổ đông của ông Trầm Bê (sở hữu khoảng 9% cổ phần của Sacombank sau sáp nhập theo báo cáo chính thức).
Cổ đông lớn thứ hai là Eximbank, vẫn nắm 8,76% cổ phần của Sacombank, tương đương 158 triệu cổ phiếu được ghi nhận với giá trị sổ sách là khoảng 10.600đ/cổ phiếu.
Hiện tại, theo mức giá đóng cửa ngày cuối năm 2016 của cổ phiếu STB là 9.450đồng/cổ phiếu, Eximbank đang trích lập dự phòng giảm giá 181 tỷ đồng.
HSC dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Eximbank là khoảng 49,48 tỷ đồng (giảm 18,46% so với năm 2015). Tuy nhiên, nếu tính theo giá đóng cửa ngày 4.1 của cổ phiếu STB là 8.200đ/cổ phiếu, về lý thuyết Eximbank sẽ chịu khoản chi phí dự phòng theo giá thị trường là 379 tỷ đồng.
“Sau năm 2016 khá trầm lắng, rõ ràng Chính phủ tỏ ra tích cực hơn trong xử lý các ngân hàng yếu kém khi đã một thời gian khá dài kể từ khi vấn đề nợ xấu xuất hiện. Với nhiều năm các ngân hàng duy trì trích lập dự phòng và cũng nhiều ngân hàng bắt đầu trở lại hoạt động bình thường cũng như trong bối cảnh sẽ áp dụng Basel II đối với top 10 ngân hàng đầu ngành từ năm tới”, HSC bình luận.
HSC nhận định phương án xử lý có thể bao gồm hoạt động M&A trong tương lai. “Phát biểu tại cuộc họp các nhà tài trợ một vài tuần trước, Thủ tướng Chính phủ cho biết Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một đối tác tư nhân của Việt Nam đang đàm phán về kế hoạch mua lại một ngân hàng yếu kém”, HSC dẫn lại.