Mùa mưa lo vỡ đê
Buổi chiều ở xã đảo Đồng Rui, nắng và gió vẫn còn chan chát vị biển. Anh Kiều Văn Nguyệt - Chủ tịch Hội Nông dân xã, chở tôi đi suốt dọc tuyến đê bao quanh đảo. Bất đắc dĩ, tôi phải ôm chặt lấy eo anh Nguyệt vì đường đê quá xóc, vài lần xuýt ngã vì mặt đê toàn là đất sét chơn trượt. Nhìn từ xa dưới ráng chiều, ai không biết lại tưởng chúng tôi là một cặp vợ chồng mới cưới về thăm nhà ngoại.
Anh Nguyệt cho biết: “Qua mùa mưa bão năm nay, dân Đồng Rui thở phào vì đê không bị vỡ. Mấy trận bão vừa rồi, may mà nước thủy triều lại thấp, nếu không chỉ cần bão cấp 6 cấp 7, cộng với triều cường là một số điểm đê xung yếu có lẽ đã tan rồi!”.
Chưa đầy 2 năm sau khi được nâng cấp tu bổ, đê Đồng Rui lại trở về gần với hiện trạng ban đầu. Nhiều chỗ trên mái đê bị sụt lún, xói lở, tạo thành các khe rãnh kéo dài.
Qua khảo sát thực tế, tuyến đê bao ngăn mặn xã Đồng Rui có chiều rộng mặt đê trung bình 2,5m, cao khoảng 4,5m. Mái đê phía đồng, phía biển không được cứng hóa, hầu hết phần đất sét đắp đê đã bị xói lở. Anh Nguyệt cho biết: “Đất đắp đê trước đây là đất khai thác tại chỗ, loại đất sét có lẫn nhiều cây sú và tỷ lệ cát cao nên dưới tác động của mưa, thủy triều mặt đê đã bị hạ thấp, mái đê bị sạt, trượt cục bộ nhiều chỗ.”
Được biết, từ năm 2010, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án tu bổ, nâng cấp các tuyến đê ngăn mặn xã Đồng Rui. Công trình được khởi công từ tháng 11.2010, bàn giao đưa vào sử dụng tháng 12.2014, tổng kinh phí được quyết toán là hơn 25 tỷ đồng. Chưa đầy 2 năm sau, đê Đồng Rui lại trở về gần với hiện trạng ban đầu. Nhiều chỗ trên mái đê bị sụt lún, xói lở, tạo thành các khe rãnh kéo dài 3-4m. Cao trình của đê theo thiết kế là 4,5m, nhưng đến nay nhiều đoạn bị sụt lún chỉ còn 3m. Ngay trên mặt đê, một số điểm xung yếu đã bị nước biển tràn, lớp đất sét bên ngoài bị bong tróc, trơ cát nham nhở.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ 570 ha đất sản xuất nông nghiệp, đê Đồng Rui còn ngăn mặn cho 560 ha diện tích nuôi trồng thủy sản và đời sống, sinh hoạt của 750 hộ dân với 2.760 nhân khẩu. Hiện tượng đê ngăn mặn Đồng Rui bị xói lở, có nguy cơ vỡ đã được người dân cảnh báo, kiến nghị nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc cử tri.
Ông Phạm Văn Hải - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui cho biết: “Quá trình thi công dự án nâng cấp, tu bổ đê Đồng Rui năm 2014, nền đất để đắp đê chủ yếu lấy ở khu vực gần chân đê. Toàn bộ 15,25m đê thi công không có kè và cứng mái. Trong khi đó, thổ nhưỡng đất khu vực này chủ yếu là đất sét pha cát nên gặp mưa và nước biển, đất dễ bị xói mòn gây ra sụt lún và sạt lở đê. Người dân địa phương rất mong muốn tuyến đê Đồng Rui sớm được cải tạo, nâng cấp chắc chắn, bê tông hoá mái, mặt đê nhằm bảo đảm an toàn cho đời sống và sản xuất của các hộ dân”.
Mùa mưa bão năm 2016, nhiều hộ có nhà gần khu vực chân đê đã phải đi sơ tán khi có dự báo bão hoặc triều cường, cuộc sống bị đảo lộn. Bây giờ thì mùa mưa bão đã qua, người dân Đồng Rui tạm gác nỗi lo đê vỡ, để dành cho một mối lo khác: Thiếu nước ngọt.
Mùa khô lo thiếu nước ngọt
Kể từ khi di dân ra xã đảo Đồng Rui từ năm 1978, người dân ở đây vẫn sử dụng nguồn nước mưa và nước giếng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Những năm gần đây, đất bị nhiễm mặn cộng với môi trường ngày càng ô nhiễm đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe của người dân trên xã đảo. Việc thiếu nước ngọt thường diễn ra vào mùa khô, trầm trọng nhất ở 2 thôn là thôn Hạ và thôn 4.
Vợ chồng anh Lý Văn Liêu và Phoòng Thị Thương vốn là người dân tộc Dao ở xã Hải Lạng (Tiên Yên), mới chuyển đến sinh sống ở thôn 4, xã Đồng Rui được 5 năm nay. Trước đây sống ở vùng cao, nước khe suối dẫn về nhà lúc nào cũng tràn trề, chảy suốt ngày đêm, vậy mà nay vợ chồng con cái Liêu phải tiết kiệm từng giọt nước. Lũ trẻ nhà Liêu thường bị bố mẹ mắng nhiều nhất vì tội dùng nước ở bể hứng nước mưa một cách hoang phí. Nước mưa dùng để ăn, nước tắm giặt bơm từ nước giếng chung của thôn về mỗi khi dùng. Nhưng vào mùa khô, nước mưa ở bể dự trữ cũng cạn kiệt, gia đình Liêu cũng như nhiều hộ khác ở Đồng Rui phải ăn bằng nước giếng. “Nước giếng hôi tanh lắm, đến giặt quần áo cũng ra màu vàng khè. Vậy mà gần 1 tháng nay chúng tôi phải dùng để ăn rồi” – anh Lý Văn Liêu than thở.
Gia đình chị Phoòng Thị Thương phải bơm nước bẩn từ giếng tập trung của thôn về ăn, sinh hoạt.
Anh Kiều Văn Nguyệt – Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết: “Trước đây Đồng Rui nhà nào cũng có giếng nước, nhưng đến nay nguồn nước mạch không sinh thủy nữa, nếu có cũng bị nhiễm mặn, chất lượng nước không đảm bảo cho người dân trên địa bàn xã đảo”.
Cũng theo anh Nguyệt, một số giếng nước tập trung được xã và người dân đóng góp kinh phí xây dựng, nhưng đều không có nước. Tạm thời, xã phải lắp đặt đường ống ngầm dẫn từ hồ dự trữ nước ngọt về giếng. Từ những giếng nước tập trung này, bà con cắm máy bơm về sử dụng.
“Có hôm nước còn bốc mùi phân vịt, vì hồ dự trữ nước ngọt có người nuôi thả vịt ở đó, nước dẫn về giếng vẫn còn mùi hôi” – ông Phạm Văn Cách (thôn Thượng, xã Đồng Rui) cho hay.
Theo ông Phạm Văn Hải - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, việc đầu tư hệ thống cấp nước ngọt ra xã đảo Đồng Rui phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đã được UBND tỉnh lập đoàn kiểm tra, khảo sát. Tuy nhiên đến nay, giữa các phương án lấy nước từ hồ Khe Cát với phương án xây dựng đập dâng tạo nguồn nước để dẫn về xã Đồng Rui vẫn chưa có quyết định cụ thể.
Trong khi chờ đợi các phương án phù hợp, hiệu quả để xây dựng đê và hệ thống dẫn nước ngọt, người dân Đồng Rui vẫn quanh năm sống với nỗi lo qua 2 mùa: Khô hạn và mưa bão.
Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Với đê Đồng Rui, theo danh mục phân cấp đê của tỉnh Quảng Ninh được Bộ NN&PTNT phê duyệt thì đê Đồng Rui là đê cấp 5. Tại Nghị quyết 16/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định: Ngân sách tỉnh chỉ chi đầu tư với tuyến đê biển cấp 3, cấp 4. Do vậy, huyện Tiên Yên cần chủ động xây dựng kế hoạch sửa chữa và nâng cấp đê Đồng Rui bằng nguồn vốn ngân sách của huyện.” |