Dân Việt

Nhân viên xe buýt 150 kể về 2 lần bắt cướp ở TP.HCM

Ngọc Phạm 09/01/2017 15:16 GMT+7
“Vừa nhìn thấy là tôi chụp tay hắn lại ngay, rồi kêu tài xế đóng cửa xe và nhờ người dân hỗ trợ khống chế kẻ gian, giao cho công an”, một “người hùng” xe buýt kể lại một lần bắt cướp.

img

4 cá nhân vừa nhận giấy khen và tiền thưởng vì hành động động xả thân bắt kẻ gian trên xe buýt

Sáng 9.1, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng đã thay mặt Sở GTVT TP.HCM, trao giấy khen và tiền thưởng cho 4 cá nhân có thành tích tốt trong việc phát hiện và phối hợp bắt các đối tượng móc túi, cướp giật trên xe buýt.

Những cá nhân được khen thưởng trong đợt này đều đang phục vụ trên tuyến xe buýt 150 (chạy tuyến Chợ Lớn - Tân Vạn), gồm tài xế Huỳnh Công Hiền và Nguyễn Tăng Chí Trung, các tiếp viên Trần Quang Huy và Nguyễn Thành Đạt.

Trao đổi với PV, ông Trần Quang Huy (38 tuổi) cho biết, ông đã tham gia bắt 2 đối tượng cướp giật laptop, điện thoại của hành khách trên xe buýt 150 mà ông đang làm nhân viên. Sau khi tóm gọn kẻ gian, ông cùng người dân đã giao nộp các đối tượng cho Công an P.4, Q.3, TP.HCM.

Nhớ lại lần đầu bắt kẻ gian, ông Huy kể: “Tôi còn nhớ rất rõ hôm 15.1.2015, lúc khoảng hơn 6h sáng, khi xe đang chạy từ ngã 3 Tân Vạn về Chợ Lớn, vừa tới chợ Vườn Chuối thì có một tên móc túi của một cô gái để lấy chiếc laptop. Lúc hắn ta vừa định chạy xuống khỏi xe thì tôi quật ngã liền. Tên này cứ liên tục hăm dọa đủ thứ nhưng tôi vẫn quyết giao hắn cho công an chứ không thả ra”.

“Tôi theo nghề này riết quen, ai cũng sợ rồi để chúng lộng hành thì thành phố mình sẽ loạn hết cả lên. Ai cũng sợ thì đâu còn ai dám đi nữa xe buýt nữa. Đơn vị hợp tác xã 19/5 của tôi cũng thường xuyên tuyên truyền chúng tôi về việc này”, ông Huy nói.

img

Ông Trần Quang Huy, tiếp viên xe buýt 150 (ngoài cùng bên trái)

Tiếp tục câu chuyện bắt cướp, ông Huy cho biết, lần thứ hai ông tham gia bắt cướp là vào ngày 16.10.2015, cũng gần địa điểm của vụ việc đầu tiên. “Lần này tôi bắt quả tang kẻ gian giật điện thoại trên tay của một hành khách. Vừa nhìn thấy là tôi chụp tay hắn lại ngay, rồi kêu tài xế đóng cửa xe và nhờ người dân hỗ trợ khống chế kẻ gian, giao cho công an”, ông Huy kể lại.

Theo ông Huy, hành động của ông đơn giản xuất phát từ những hình ảnh mà ông nhìn thấy hàng ngày, như những em sinh viên tới trường, những “hai lúa” từ quê lên TP.HCM khám chứa bệnh,...

“Tôi không có võ nhưng còn sức thì tôi không thể đứng nhìn những kẻ gian lộng hành như vậy được. Thử hỏi mấy em sinh viên bị trộm laptop thì lấy đâu mà học hành, người ở quê lên bị cuớp điện thoại thì lấy đâu mà liên lạc với người thân, bị móc hết tiền thì lấy đâu mà khám chữa bệnh?", ông Huy bộc bạch.