Ông Võ Thế Hẹn - ngụ ấp Bến Kè, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An gửi đơn đến báo Dân Việt kêu cứu về việc, cả rừng tràm do gia đình ông ra sức chăm sóc bỗng dưng mất trắng.
Theo hồ sơ do Chi cục Thi hành án huyện Thạnh Hóa cung cấp, ngày 20.7.2014, ông Hẹn ký “Hợp đồng mua bán tràm” với bà Võ Thị Minh Nhật (sinh năm 1967, ngụ tại số 263/22 Nguyễn Hồng Đào, phường 14, quận Tân Bình, TP. HCM). Hợp đồng có xác nhận của chính quyền địa phường, ông Hẹn mua và được quyền khai thác số tràm nằm trên các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nhật với diện tích 10ha trong thời hạn 4 năm kể từ ngày ký hợp đồng với giá 250 triệu đồng.
Những cây tràm này được Chi cục THADS huyện Thạnh Hóa bán với giá 3.700 đồng/cây. Ảnh: Hữu Danh
Cũng theo hồ sơ do Chi cục THADS huyện Thạnh Hóa cung cấp, diện tích đất này được bà Võ Thị Minh Nhật thế chấp cho Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) – chi nhánh Tân Bình vào năm 2010 để vay 8 tỷ đồng (tại thời điểm này, giá thực tế của mảnh đất thế chấp chỉ vào khoảng 3 tỷ đồng). Vay được 1 năm, bà Nhật và ngân hàng cùng ra tòa thỏa thuận trả nợ (cả vốn lẫn lãi là 9,25 tỷ đồng) bằng cách kê biên đất để bán đấu giá lấy tiền trả nợ. Do hợp đồng thế chấp ghi rõ Chỉ thế chấp “Quyền sử dụng đất” chứ không thế chấp “Tài sản gắn liền với đất”, quyết định của Tòa án cũng chỉ nói phát mãi đất nên vào năm 2014, chính quyền địa phương đã chứng thực trong hợp đồng mua bán giữa ông Hẹn và bà Nhật.
Sau khi mua, ông Hẹn vay ngân hàng 300 triệu đồng để có tiền mua phân, thuốc và thuê mướn nhân công chăm sóc rừng tràm. Thế nhưng, Chi cục THADS huyện Thạnh Hóa khi kê biên tài sản đã kê biên luôn toàn bộ cây tràm của ông Hẹn. Ông Hẹn tố cáo nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An đã vào cuộc làm rõ. Ngày 19.2.2016, ông Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh Tân Bình ký công văn gửi Cơ quan CSĐT, nêu rõ “toàn bộ số cây tràm không có thế chấp để vay vốn tại ngân hàng”.
Dù vậy, toàn bộ cây tràm vẫn bị đấu giá với giá rẻ mạt là 128 triệu đồng. Theo kiểm đếm của Chi cục THADS huyện, có tổng cộng 34.464 cây tràm. Với giá bán này, mỗi cây tràm được bán với giá...3.700 đồng - bằng 1/7 so với giá thực tế (hơn 25.000 đồng/cây). Người mua trúng đấu giá khai thác được gần 2 ha thì ông Hẹn tranh chấp quyết liệt. Lúc này, Cơ quan THADS huyện Thạnh Hóa yêu cầu ông Hẹn nộp 600 triệu đồng “thế chân” rồi cho ông khai thác, sau đó sẽ giải quyết chuyện ai là chủ rừng tràm. “Họ đấu giá 128 triệu đồng, đã khai thác một phần. Phần còn lại tôi khai thác và bán được hơn 800 triệu đồng. Tôi không hiểu tại sao rừng tràm giá trị rất lớn như vậy mà họ chỉ bán với giá 128 triệu đồng”.
Trong một diễn biến khác, toàn bộ diện tích thế chấp để vay 8 tỷ đồng, tính luôn lãi là 9,25 tỷ đồng đã được bán đấu giá với giá chỉ 2 tỷ đồng (!).
Cũng theo hồ sơ do Chi cục THADS huyện cung cấp, sau khi đấu giá 34.464 cây cừ tràm với giá 128 triệu đồng, cơ quan này đã “chia đôi” số tiền, ngân hàng và bà Nhật, mỗi người hưởng một nửa.
“Bà Nhật và ngân hàng, rồi người trúng đấu giá đều ở TPHCM. Tôi là nông dân, bao nhiêu vốn liếng đều dồn hết vào rừng tràm này. Chuyện họ “làm xiếc” với nhau, tôi không có ý kiến. Nhưng toàn bộ cây tràm của tôi bỗng dưng mất trắng nên tôi làm đơn tố cáo”, ông Võ Thế Hẹn bức xúc.