Việt Nam đang phát triển mạnh về kinh tế xã hội tạo ra điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh.
Trao đổi với phóng viên ngày 11/1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng Dự thảo luật Dân số.
Theo đó, Bộ Y tế trình 2 phương án để điều chỉnh mức sinh, trong đó phương án 1 cho phép các cặp vợ chồng được quyết định số con và được quyền tự lựa chọn khoảng cách giữa các năm sinh. Phương án 2: Tiếp tục quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ quyết định tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm về thời gian và khoảng cách sinh con. Sinh 1 hoặc 2 con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
“Chúng tôi ủng hộ phương án nới lỏng chính sách sinh con nhưng không đồng nghĩa các cặp vợ chồng được sinh thoải mái, ông Quang nói.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế phân tích, hiện nay, cả nước đã đạt mức sinh thay thế nhưng mức sinh của các vùng miền lại không đồng đều. Bên cạnh những vùng vẫn còn mức sinh cao (số con trong bình của phụ nữ sinh đẻ vẫn trên 3 con) thì lại có những vùng mức sinh xuống rất thấp (như TPHCM, tổng tỷ suất sinh chỉ là 1,3 con).
Ông Nguyễn Huy Quang cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất nới lỏng chính sách dân số.
Nếu nơi nào cũng sinh thấp như thế thì tốc độ già hóa dân số đã rất nhanh như hiện nay sẽ càng nhanh hơn, nguồn nhân lực trong tương lai gần sẽ bị thiếu hụt. Đây là khuyến nghị căn cứ trên cơ sở khoa học về kiểm soát quy mô dân số, cơ cấu dân số và quy luật phát triển nhân khẩu học của quốc gia.
“Đề xuất nới lỏng chính sách dân số để những nơi có mức sinh thấp phải được điều chỉnh, các cặp vợ chồng sinh con có trách nhiệm. Tuy nhiên, nhiều người đang hiểu lầm rằng các cặp vợ chồng sẽ được sinh con thoải mái, hiểu như vậy là chưa đúng. Bởi nếu Dự thảo được thông qua thì Luật sẽ quy định mức sinh cho từng vùng, không phải nơi nào cũng được sinh con thoải mái”, ông Quang nói.
Là người từng đề xuất, Việt Nam nên nới lỏng chính sách dân số bằng việc trao cho các cặp vợ chồng quyền quyết định số con, GS.TS. Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em đồng tình với phương án 1 của Bộ Y tế (cho phép các cặp vợ chồng được quyết định số con và được quyền tự khoảng cách giữa các năm sinh).
GS Cử phân tích, Việt Nam đạt được mục tiêu “Mỗi gia đình chỉ có 2 con” một cách vững chắc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mức sinh không chỉ phụ thuộc chính sách, luật pháp mà thậm chí, cơ bản lại phụ thuộc trình độ phát triển. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển mạnh về kinh tế xã hội tạo ra điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh.
Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, với tư cách là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký Công ước về “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”.
Theo đó, quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục và các biện pháp để thực hiện những quyền này.
“Với những phân tích của tôi ở trên, nên không có điều gì phải lo lắng về quyền quyết định số con của các cặp vợ chồng. Hơn nữa, vợ chồng được quyết định số con có thể mức sinh sẽ tăng đôi chút nhưng không thể thay đổi xu hướng và đến mức bùng nổ dân số như trước”, ông Cử khẳng định.
GS Cử cũng lo ngại, nếu không nới lỏng chính sách sớm, mức sinh sẽ ngày càng thấp. Hơn nữa, nếu thấp hơn mức sinh thay thế, nguy cơ Việt Nam sẽ đối mặt với hội chứng 4-2-1 giống như Trung Quốc, tức là cứ 4 người (ông bà nội, ngoại) mới có 2 con và 1 cháu. Điều này sẽ phản ánh tỷ lệ già hóa dân số ở mức cao, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.