Dân Việt

Đồng loạt lên sàn, “cổ phiếu vua” có quay lại thời hoàng kim?

Quốc Hải 11/01/2017 19:00 GMT+7
Đầu năm 2017, hàng loạt ngân hàng “buộc” phải niêm yết trên sàn chứng khoán theo quy định. Tuy nhiên, “cổ phiếu vua” có trở lại thời hoàng kim cách đây gần chục năm hay không vẫn là dấu hỏi khi tình hình “sức khỏe” của nhiều ngân hàng vẫn khá “bí mật” với nhà đầu tư...

img

Dù là ngân hàng thuộc dạng “top” đầu nhưng thị giá cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV chỉ dao động quanh mức 14.000 đến 16.000 đồng/CP.

Ngân hàng “dắt nhau” lên sàn

Mới đây nhất, ngày 9.1, hơn 564,4 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam đã lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu là 17.000 đồng/CP. Ngay khi niêm yết, cổ phiếu VIB có lúc tăng trần lên 23.800 đồng/CP nhưng mức giá phần lớn trong phiên quanh mốc 18.500 - 19.000 đồng/CP, tức tăng khoảng 10% so với giá mở cửa. Tuy nhiên, nếu so sánh trong nhóm “cổ phiếu vua” thì mức giá này của VIB hiện đang cao hơn rất nhiều so với thị giá của các nhà băng khác, thậm chí là vượt hơn các “ông lớn” ngành ngân hàng như Vietinbank (CTG), Ngân hàng BIDV (BID).

Cụ thể, cuối phiên giao dịch ngày 10.1, cổ phiếu VIB đạt mức giá 18.700 đồng/CP, chỉ xếp sau Vietcombank (VCB – 38.400 đồng/CP) và Ngân hàng Á Châu (ACB – 21.000 đồng/CP); nhưng lại cao hơn Vietinbank (16.900 đồng/CP) và BIBV (16.100 đồng/CP).

Tiếp sau VIB, một số ngân hàng khác cũng rục rịch lên sàn. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang gấp rút hồ sơ để niêm yết trên UPCoM, theo đó mã chứng khoán Techcombank được cấp là TCB, số lượng chứng khoán đăng ký hơn 887,8 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị chứng khoán đăng ký hơn 8.878 tỷ đồng. Tương tự, KienlongBank cũng vừa được cấp mã CK giao dịch trên UPCoM là KLB, số lượng cổ phiếu đăng ký 300 triệu cổ phiếu, tương đương 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ với hình thức đăng ký là ghi sổ.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), Ngân hàng TMCP Đông Phương (OCB)... cũng đang chuẩn bị sẵn sàng để niêm yết trong năm 2017.

Thực tế, theo Luật sư - Tiến sỹ Bùi Quang Tín, theo quy định tại Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ tài chính, trước khi kết thúc năm 2016, các công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết, công ty đại chúng bị hủy niêm yết, công ty đại chúng đủ điều kiện nhưng chưa niêm yết phải hoàn thành thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (hệ thống giao dịch UPCoM). Như vậy, theo quy định thì những ngân hàng chưa niêm yết “buộc” phải hoàn thành đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết trước khi kết thúc năm 2016.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì vẫn còn khá nhiều ngân hàng đang... “có kế hoạch” niêm yết dù thời hạn của thông tư số 180/2015/TT-BTC đã hết hạn.

“Cổ phiếu vua” có trở lại thời hoàng kim?

Dù ồ ạt niêm yết và chuẩn bị niêm yết nhưng thực tế theo giới đầu tư chứng khoán thì “cổ phiếu vua” khó quay lại thời hoàng kim như gần chục năm trước.

Khảo sát thị trường có thể thấy, từ đầu năm 2016 đến nay, đa số các mã cổ phiếu “vua” đều sụt giảm đáng kể. Chẳng hạn, cổ phiếu BID giảm từ 21.000 đồng/CP thời điểm đầu năm 2016 xuống còn 16.100 đồng/CP; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) có thời điểm tăng giá lên tới 58.000 đồng/CP, nay đã giảm còn 38.400 đồng/CP; SHB giảm  từ 7.000 đồng/CP xuống 4.800 đồng/CP… một số mã khác thì chỉ dao động quanh vùng giá như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) khoảng 16.900 đồng/CP; Ngân hàng Quân đội (MBB) quanh 13.700 đồng/CP...

Anh Nguyễn Thanh Sang, một nhà đầu tư chứng khoán kiêm nhân viên dự báo thị trường của một công ty chứng khoán tại TP.HCM thì cho rằng, tỷ lệ nợ xấu năm 2016 đã thực sự giảm, nhưng tiến độ xử lý nợ xấu của các ngân hàng còn khá chậm. Điều này dẫn đến các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro có khi chiếm tới 60-65% lợi nhuận. Với tốc độ xử lý nợ xấu này, phải đến năm 2019, nhiều ngân hàng mới trích lập dự phòng đủ số nợ đã bán cho VAMC. Vì thế, giá cổ phiếu ngân hàng ở bình diện chung không dễ bứt phá...

“Năm 2017 này, áp lực tăng vốn điều lệ càng trở nên nóng bỏng hơn khi 10 ngân hàng được chỉ định thí điểm Basel II, trong khi đó tỷ lệ nợ xấu cao và quy định về tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại đang bị giới hạn 30% khiến các ngân hàng khó kêu gọi nhà đầu tư chiến lược, vì vậy mà cổ phiếu vua hiện kém hấp dẫn chăng”, anh Sang nói.

Trong khi đó, trưởng phòng tín dụng một ngân hàng thương mại tại TP.HCM thì cho rằng, khi lên sàn, đương nhiên báo cáo tài chính phải chuẩn mực, phải có kiểm toán độc lập,…những ẩn số về nợ xấu, trích lập dự phòng, lợi nhuận… cũng sẽ phải công khai, minh bạch với cổ đông. Khi đó trong tình hình khó khăn xử lý nợ xấu hiện nay thì việc công khai, minh bạch những thông tin này sẽ rất bất lợi.