Dân Việt

Trái đất từng có cả tá mặt trăng?

Mẫn Di - New Yorker 12/01/2017 00:25 GMT+7
Hiện tại vẫn đang có nhiều thuyết khác nhau về vệ tinh lớn nhất của Trái đất.

img

Mặt trăng được cho là xuất hiện cách đây 4,5 tỷ năm. Giới thiên văn vẫn chưa thống nhất được rằng kích thước, hướng di chuyển cùng tốc độ của nó thay đổi ra sao suốt từ đó tới nay, thậm chí cả cách thức hình thành. Từ thế kỷ 18, lý thuyết "Va chạm Lớn" được ủng hộ, theo đó mặt trăng là mảnh vỡ tạo ra khi thiên thạch Theia va mạnh vào trái đất.

Tuy nhiên một nhóm nghiên cứu từ Israel khẳng định rằng đây không phải là mặt trăng duy nhất từ thuở "khai thiên lập địa". Nghiên cứu bằng mô phỏng máy tính cho thấy để tạo ra vệ tinh không nhất thiết phải là một thiên thạch lớn bằng sao hỏa như Theia. Ngoài ra phân tích đất đá thu thập bởi tàu Apollo cũng thể hiện các thành phần vô cùng khác biệt và dường như không có dấu tích gì của trái đất.

img

Vì vậy, giả thuyết đầu tiên của họ cho rằng trước vụ va chạm lớn, có khả năng đã xảy ra nhiều chấn động khác tạo ra các vệ tinh nhỏ, và sau dần chúng gộp lại khi đi vào quỹ đạo và trở thành một. Thứ hai, chúng có thể từ thiên thạch Theia, bị tan thành nhiều mảnh và sau này tụ lại thành mặt trăng.

Tuy nhiên, nhóm gồm giáo sư Raluca Rufu, đồng sự Oded Aharonson và Hagai Perets lưu ý rằng đó mới chỉ là những giả thuyết ban đầu. Không thể chắc chắn được số phận của những mặt trăng nhỏ kia. Chúng có thể tiếp tục tồn tại và bị hấp thụ, hay tự tiêu biến sau tác động hàng tỷ năm. Họ vẫn tiếp tục chờ thêm các mẫu vật để nghiên cứu.

Như vậy, mặt trăng mà chúng ta thấy hiện nay là kẻ sống sót duy nhất còn lại. Trong quá trình hình thành, trái đất đã chịu nhiều va chạm và chắc chắn phải có nhiều vệ tinh hơn thế, đôi khi có vài mặt trăng tồn tại cùng một lúc. Vào lúc này, khi hành tinh xanh đã ổn định, thì đây có thể là mặt trăng cuối cùng. Các nhà khoa học đã đo đạc và phát hiện nó đang rời quỹ đạo khỏi trái đất khoảng 10cm mỗi năm, và tới lúc nào đó sẽ hoàn toàn biến mất mà không có gì thế chỗ.

"Chẳng ai lại muốn một thiên thạch to như sao Hỏa va vào trái đất cả. Thực tế thì có sao Thủy với quỹ đạo không ổn định đấy, nhưng muốn chờ nó phải khoảng 10 tỷ năm nữa, nên không cần phải lo lắng", Perets nói.