Cư dân sống ở tỉnh Hormozagan phía nam Iran được gọi là "Bandari" (người đất cảng). Nơi này là trung tâm thương mại quan trọng của vùng từ những năm 2000 TCN, đây cũng là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa lớn gồm châu Phi, người Arab, Ấn Độ và Ba Tư. Trang phục của họ rất đặc sắc, và dù là người Hồi giáo Sunni thì phụ nữ Bandari không khoác lên mình những chiếc áo choàng và khăn đen kịt, thay vào đó là phục trang và đặc biệt là mặt nạ đầy màu sắc.
Phụ nữ Bandari đã mang mặt nạ nhiều thế kỷ nay. Không rõ truyền thống này có từ đâu, nhiều người cho rằng nó bắt đầu khi người Bồ Đào Nha thống trị và dân địa phương phải che mặt để tránh bị những kẻ buôn nô lệ háo sắc bắt đi.
Một phụ nữ bán vải
Mặt nạ bằng da
Khăn trùm và mặt nạ gấm thêu tay cầu kỳ
Vừa mang dấu ấn văn hóa, những mặt nạ này còn bảo vệ mắt và da của họ khỏi ánh nắng mặt trời khắc nghiệt tại Vịnh Ba Tư. Mặt nạ cũng xuất hiện rải rác ở nhiều nơi, bao gồm Oman, Kuwait cùng bán đảo Arab.
Có rất nhiều loại mặt nạ khác nhau. Vài chiếc che toàn bộ khuôn mặt, nhưng cũng có những chiếc mảnh mai hơn chỉ như vật trang trí. Chất liệu cũng khá đa dạng, từ da tới vải thêu...nhưng đa số đều đảm bảo che trán và mũi. Không "cào bằng" như khăn burka, chỉ cần nhìn mặt nạ cũng có thể biết người phụ nữ tới từ làng nào, hay địa vị xã hội ra sao.
Chiếc mặt nạ hình ria mép này chủ yếu được phụ nữ trên đảo Qeshm sử dụng. Nó được thiết kế từ hàng trăm năm trước nhằm khiến họ trông mạnh mẽ và áp đảo hơn. Ở giữa biển, ngôi làng rất dễ bị xâm chiếm, và quân địch có thể sẽ ngần ngại vì nghĩ rằng đằng sau chiếc mặt nạ là nam giới.
Tuy nhiên hiện tại nhiều phụ nữ bỏ đeo mặt nạ mà chỉ choàng khăn trùm đầu.
Dù người phụ nữ này chỉ thỉnh thoảng đeo mặt nạ, cô vẫn từ chối chụp ảnh mặt mộc. Văn hóa tại đây cho rằng phụ nữ không nên trò chuyện với người lạ, đặc biệt là đàn ông, và để lộ khuôn mặt thì càng tối kỵ.
Vì đeo mặt nạ nên cộng đồng Bandari khá khép kín và bí ẩn. Nhưng chỉ vài ngày ở lại thăm thú, họ sẵn sàng chia sẻ về nền văn hóa độc đáo và lối sống của mình.