Dân Việt

Tê giác Nam Phi 1 tấn “bay lên mây” để tránh săn trộm

Trà My - Mirror 12/01/2017 14:25 GMT+7
Tê giác đen đã “bay” trên bầu trời Nam Phi theo một chiếc trực thăng, để đến một địa điểm sống mới.

img

Một tê giác đen được trực thăng nhấc bổng lên, đưa đến nơi ở mới

Những hình ảnh tuyệt đẹp dưới đây cho thấy những con tê giác nặng khoảng 1 tấn được buộc 4 chân vào trực thăng và “bay” qua bầu trời Nam Phi. Chúng được di chuyển đến một môi trường sống mới để tránh những kẻ săn bắn trộm sừng tê giác.

Trong khi một bức ảnh cho thấy con tê giác “bay” qua sông và rừng cây trong tình trạng bịt mắt, bức ảnh khác lại cho thấy nó trôi nổi giữa những đám mây.

Trong một bức ảnh, con tê giác được gắn thiết bị theo dõi dần “hạ cánh” xuống mặt đất.

img

Bức ảnh cho thấy tê giác trôi nổi giữa những đám mây

Những hình ảnh ngoạn mục được chụp tại Khu Bảo tồn Great River Fish, Nam Phi. Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về động vật hoang dã và bảo tồn, ông Pete Oxford, 58 tuổi, là người đứng đằng sau ống kính.

"Tôi sống và làm việc trong Vườn quốc gia. Tôi đã quen với việc chụp ảnh động vật cũng như việc tái định cư chúng", Pete nói.

"Do đó, tôi được đề nghị chụp ảnh quá trình di chuyển 15 con tê giác đen đến một địa điểm mới ở phía bắc của đất nước.

img

Những hình ảnh ngoạn mục được chụp tại Khu Bảo tồn Great River Fish, Nam Phi

"Mục đích là để tạo dựng một đàn tê giác mới với sự bảo vệ tốt khỏi nạn săn bắn trộm, giúp đa dạng hóa tê giác đen về mặt địa lý”.

Rất ít tê giác sống bên ngoài các khu vực được bảo vệ ở Nam Phi. Lý do là vì nạn săn bắt trộm diễn ra phổ biến ở đây.

Nhu cầu lấy sừng tê giác làm thuốc chữa bệnh là nguyên nhân lớn cho sự suy giảm số lượng tê giác. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), hiện chỉ có hơn 5.000 tê giác đen còn lại trên toàn thế giới.

img

Một bức ảnh cho thấy con tê giác “bay” qua sông và rừng cây trong tình trạng bịt mắt

img

Mục đích là để tạo dựng một đàn tê giác mới với sự bảo vệ tốt khỏi nạn săn bắn trộm

img

Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp về động vật hoang dã và bảo tồn, ông Pete Oxford, 58 tuổi, là người đứng đằng sau ống kính