Mặc dù Tổng thống Singapore không có thực quyền và ứng cử viên Tổng thống là cá nhân chứ không đại diện cho đảng phái chính trị nào, cuộc bầu cử Tổng thống vẫn phản ánh cả tương quan lực lượng trên chính trường và chiều hướng tâm lý dư luận trong xã hội.
Cựu Phó Thủ tướng Tony Tan, 71 tuổi, là ứng cử viên được Đảng PAP công khai ủng hộ nên thắng cử của ông Tony Tan cũng còn được coi như một thắng lợi chính trị của Đảng PAP. Tuy nhiên, vì đảng này luôn thắng cử trong mọi cuộc bầu cử từ trước tới nay nên điều được để ý đến nhiều hơn và dành cho tầm quan trọng lớn hơn là mức độ thắng cử như thế nào và sự mất phiếu bầu kiểu gì cũng đều có thể được coi là thất bại của Đảng PAP. Trong cuộc bầu cử Quốc hội mới đây nhất đã như thế và cuộc bầu cử Tổng thống này cũng vậy.
Ông Tony Tan thắng cử nhờ có được hơn người kế theo 7.269 phiếu bầu trong tổng số hơn 2 triệu cử tri. Sự chênh lệch đủ để ứng cử viên được PAP công khai hậu thuẫn trở thành Tổng thống mới của Singapore, nhưng lại không đủ để được coi là một chiến thắng thuyết phục.
Vị thế quyền lực của PAP vẫn còn rất áp đảo nhưng rõ ràng là tiếp tục chiều hướng suy giảm chứ không phải được tăng thêm hay được củng cố. Cho nên tác dụng của chiến thắng lại không đáng kể bằng tác động của cái bị coi là thua trong cuộc bầu cử này đối với đảng cầm quyền.
Triệu Anh Túc