Tàu sân bay USS Gerald R. Ford.
Phát ngôn viên Hải quân Mỹ Thurraya Kent ngày 11.1 thông báo siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã hoàn thành “99%”. Các kỹ sư đã đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố tại những hệ thống quan trọng, cho phép tàu có thể chạy thử nghiệm trên biển và bàn giao đúng hạn.
Nhà máy đóng tàu sẽ thử nghiệm tàu sân bay USS Gerald R. Ford trên biển vào tháng 3 và có thể được đưa trở lại xưởng để khắc phục sự cố phát sinh. Hải quân Mỹ sẽ chạy thử nghiệm tàu vào tháng 4 trước khi chính thức nhận bàn giao cùng tháng này.
Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng tiến độ thật của tàu sân bay có thể không được tiết lộ, khi vào tháng 7.2016, Lầu Năm Góc thông báo tàu đã hoàn thiện 98%.
Chủ tịch Ủy ban quân vụ Mỹ John McCain cho rằng chi phí đóng tàu sân bay USS Gerald R. Ford ước tính khoảng 12,9 tỷ USD, vượt 20,5 % so với ngân sách dự kiến ban đầu. Không quan chức quân đội hay dân sự nào chịu trách nhiệm về sự chậm tiến độ và đội giá của dự án đóng tàu sân bay đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ.
Khi được triển khai, USS Gerald R. Ford sẽ tăng số lượng tàu sân bay hoạt động của Hải quân Mỹ lên con số 11, trở thành hạm đội lớn nhất trên thế giới. Năm 2009, Hải quân Mỹ đã biên chế tàu sân bay USS George H. W. Bush có chi phí 6,1 tỷ USD.
Tự động hóa là một trong những cải tiến quan trọng nhất giữa tàu sân bay USS Gerald R. Ford và các chiến hạm trước đó. Điều này giúp giảm đáng kể số lượng quân nhân làm việc trên tàu.
“Tàu sân bay USS Gerald R. Ford thực sự là một tuyệt tác công nghệ”, Tư lệnh Hải quân Mỹ Đô đốc Jon Green cho biết vào năm 203. “Nó có thể mang theo máy bay không người lái, tiêm kích F-35 và vũ khí laser”.