"Cưỡng bức" người nghe
“Hiện nay chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh. Thông tin đến từ nhiều hướng: Truyền hình, báo chí, sách vở, facebook… Cho nên, mọi thông tư nghị quyết của Đảng cũng đến với mọi người bằng con đường đó. Thậm chí có nhiều tin đã đến với chúng ta trùng lặp. Bởi vì hiện nay có những hơn 800 tờ báo. Vậy việc có thêm một hệ thống thông tin trên loa phường là quá thừa và nhiều khi người dân có cảm giác họ bị “cưỡng bức” phải nghe những thông tin này bởi vì họ đã được đọc nhiều trên báo chí. Chuyện loa phường đọc ra rả vào buổi sáng và buổi chiều gây hết sức phản cảm. Cho nên việc chấm dứt hệ thống loa phường là cần thiết”.
(Nhà xã hội học Nguyễn Chí Tình)
Đi “di tản” vì loa phường
"Tôi là một cán bộ hưu trí lão thành Cách mạng năm nay đã ngoài 80 tuổi. Tôi vẫn thường xuyên sinh hoạt ở chi bộ Đảng, hội CCB, hội NCT. Mọi vấn đề thông tư của Đảng, vấn đề chính trị xã hội, tôi đã đều được đọc trên báo chí và truyền hình. Và qua những buổi sinh hoạt ở các hội cho nên việc phát loa phường là không cần thiết. Hơn nữa nhà tôi bên cạnh một loa phường, mỗi lần loa phát là tôi lại trực tiếp nghe nhiều nhất và tôi không thể nào chịu nổi vì tiếng quá lớn. Mỗi lần loa phường phát lên là tôi phải bỏ ra nhà đi xa để khỏi đau đầu. Khi nào loa phát xong mới quay về nhà. Hàng bao nhiêu năm nay tôi bị hành hạ như vậy, cả các cháu ít tuổi nhà tôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều trong sinh hoạt. Chấm dứt loa phường là một điều tốt. Không có loa phường chúng tôi vẫn nắm bắt đầy đủ thông tin chính trị của toàn xã hội”.
(Bạn đọc Lưu Hồng Khánh - cán bộ về hưu tại Hà Nội)
Cũng là một cách tiết kiệm
“Trong thế giới hiện đại ngày hôm nay, có thể nói là một xã hội thông tin. Từ một vụ nổ ở Châu Phi cho đến tai nạn ở châu Mĩ chúng ta đều có thể biết sau vài phút qua hệ thống internet. Rồi những chuyện lịch sử, những thông tin kim cổ đâu đâu cũng được đưa lên mạng. Chưa bao giờ chúng ta lại làm chủ thông tin như hiện nay. Do vậy có thể nói hệ thống loa phường là hoàn toàn thừa. Và vô cùng tốn kém. Hãy tưởng tượng hàng chục năm như vậy lúc nào cũng cần có một phát thanh viên, rồi chi trả rồi tiền điện, tiền lương chúng ta đã tốn hàng tỉ đồng cho hệ thống loa phường. Nếu không có hệ thống loa phường chúng ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền từ thuế của nhân dân”.
(Luật sư Phan Thị Hồng)
Thông tin quá chậm
“Là một nhà báo nên tôi cũng hay nghe thông tin ở loa phường. Tôi tò mò xem họ nói những gì bởi vì những thông tin chính trị xã hội tôi đã biết ở trên báo. Lâu dần nghe mãi thành thói quen. Và nhận thấy thông tin loa phường, thường thường nó chậm hai ba ngày có khi chậm một tuần. Trong thời kỳ thông tin nhanh nhẹn như vậy thì thật là buồn cười khi phải nghe thông tin ra rả. Có lẽ bởi vì hệ thống biên tập từ đài báo chuyển xuống phát thanh viên ở xã phường qua quá nhiều cửa. Và như vậy rõ ràng là không cần thiết cho ai cả”.
(Nhà báo Nguyễn Thu Phương, báo Nghệ thuật mới)
Chất lượng kém
Chất lượng thông tin và âm thanh, độ hấp dẫn của loa phường bị nhiều bạn đọc đánh giá là kém. Ảnh IT
“Mọi người khi nghe loa phường đều cảm thấy không hài lòng. Thứ nhất là vì chất lượng của loa thấp khi chúng ta nghe những âm thanh nhỏ nhẹ của truyền hình, máy nghe nhạc của radio… thì bỗng nhiên nhận một tiếng ồn ào, mạnh mẽ từ loa đài. Nó là cho người ta không được hài lòng lắm vì phải nghe dẫn đến chuyện mất thiện cảm với những thông tin từ nó. Thứ hai là dù có tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng thì cũng nên qua một hình thức dễ đến với lòng người. Con người nghe và dễ cảm thụ thấm nhuần hơn là những lời đọc mệnh lệnh khô khốc. Nếu so với góc độ dân vận thì tính dân vận chưa cao. Chúng ta có hàng nghìn cách công cụ để đưa thông tin của Đảng đến với lòng người , nếu chỉ đọc ra rả như vậy thì chất lượng không cao nếu không nói là phản mỹ học”.
( Nhà thơ Hồng Kiểm, Thanh Trì – Hà Nội)