Liên quan đến ý tưởng đề xuất làm cáp treo nối công viên Gia Định với sân bay Tân Sơn Nhất, ông Vũ Huy Thắng (Giám đốc Công ty cổ phần Bilco) - tác giả của đề xuất này cho rằng thành phố đang đề xuất làm tuyến metro nối từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay với chi phí lên đến 250 triệu USD. Đây là con số rất lớn và thời gian thi công sẽ phức tạp kéo dài. Do đó ông đề xuất làm cáp treo nối công viên Gia Định với sân bay Tân Sơn Nhất với chi phí chỉ bằng 1/10 chi phí làm metro, thời gian thi công chỉ trong 10 tháng.
Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe trong thời gian qua
Theo ông Thắng, trên thế giới đã có nhiều nước làm cáp treo phục vụ giao thông và phục vụ du lịch. Với điều kiện của thành phố thì cũng có thể làm được và mang lại hiệu quả cao. Theo tính toán của ông, mỗi cabin của cáp treo chứa từ 8 – 10 người, tốc độ khoảng 25km/h. Như vậy tuyến cáp treo mỗi giờ có thể vận chuyển được từ 3.000 – 4.000 khách. Khi có cáp treo, lượng xe trên đường sẽ giảm, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ngoài ra ông cho biết cũng có thể làm tuyến cáp treo nối từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay để kéo giảm ùn tắc.
Với đề xuất này, TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông khẳng định đây là ý tưởng mới mẻ và chỉ mang tính tạm thời, không phải mang tính lâu dài. TS Phạm Sanh khẳng định cáp treo phục vụ nhu cầu đi lại trong thành phố được thực hiện tại một số thành phố ở Nam Mỹ.
Tuy nhiên ở đó cáp treo chủ yếu chỉ phục vụ khách du lịch hoặc chỉ để bảo tồn nét văn hóa của thành phố, hay chỉ phục vụ số ít nhu cầu đi lại của học sinh. Đặc biệt các tuyến cáp treo chỉ thường thấy ở các đô thị có dân số ít, nhu cầu đi lại không cao. Còn việc làm cáp treo để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và giảm kẹt xe như ở thành phố thì chưa thấy.
Nói về tính hiệu quả, TS Phạm Sanh cho rằng nếu cáp treo làm đường trên cao, hay làm metro như thành phố đang đề xuất sẽ an toàn, hiệu quả hơn. Thực tế, các tuyến cáp treo Bà Nà, Vinpearl chưa bao giờ thấy vận chuyển đến 3.000 – 4.000 khách/giờ. Đó còn chưa kể về vấn đề thi công, công nghệ khai thác, quản lý bảo trì bảo dưỡng…
“Chi phí chỉ bằng 1/10 metro không phải là yếu tố chính để xem xét làm cáp treo mà cần phải căn cứ trên nhiều yếu tố khác. Đừng thấy người ta làm rồi mình đua làm theo để rồi không mang lại hiệu quả”, TS Phạm Sanh nói.
Hệ thống cáp treo Roosevelt Island Tramway là một giải pháp trong hệ thống giao thông công cộng ở New York (Mỹ)
Theo TS Phạm Sanh, cần phải xem lại việc tổ chức giao thông trong khu vực sân bay. Thực tế lượng xe cộ vào sân bay không tăng cao. Kẹt xe ở đây là do lượng xe đi ngang qua khu vực này kể từ khi có tuyến đường Phạm Văn Đồng và nhiều khu dân cư cao tầng mọc lên. Đổ thừa kẹt xe là do lượng khách đi lại qua sân bay đông là “oan” cho sân bay.
Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng trong điều kiện ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất thì khó làm được tuyến cáp treo bởi không có không gian để làm. Việc làm cáp treo trên các tuyến đường giao thông hiện hữu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông, tổ chức giao thông bên dưới. Đó là chưa kể hiện nay hệ thống giao thông kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất đang có dự án đường trên cao kết nối với sân bay. Gần đây thành phố cũng đang đề xuất làm tuyến nhánh metro nối với tuyến metro số 5. Nếu làm tùy tiện thì sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch giao thông trong khu vực.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng đây mới chỉ là ý tưởng. Sở rất hoan nghênh doanh nghiệp tham gia giải quyết bài toán giao thông nhưng để thực hiện được thì cần phải tính toán kỹ, phải đánh giá một cách khoa học từ thiết kế kỹ thuật, phương án tài chính, quy hoạch giao thông…