Nghiên cứu mới củ các nhà khoa học cho thấy khủng long tuyệt chủng vì thời tiết lạnh giá.
Theo Daily Mail, chương trình máy tính đã mô phỏng lại hiện tượng xảy ra sau khi thiên thạch lao xuống Trái đất cách đây 65 triệu năm.
“Hiện tượng thời tiết lạnh giá xảy ra sau khi thiên thạch rơi xuống Mexico đã đánh dấu thay đổi lớn trong lịch sử Trái đất”, Julia Brugger, người dẫn đầu nghiên cứu tại Viện Potsdam (Đức) nói. “Nghiên cứu của chúng tôi đóng góp cách hiểu mới về nguyên nhân gây tranh cãi dẫn đến sự kiện tuyệt chủng ở kỷ Creta”.
Các giả thuyết trước đây tập trung vào lớp bụi khổng lồ xuất hiện sau vụ thiên thạch rơi.
Trong khi đó, mô phỏng của máy tính cho thấy một lượng lớn khí sulfur thoát ra khi thiên thạch va chạm với bề mặt Trái đất, che phủ bầu trời trong nhiều năm. Hiện tượng này là nguyên nhân chính khiến cho nhiệt độ trên Trái đất sụt giảm mạnh.
Ngay cả ở vùng nhiệt đới, nhiệt độ trung bình hàng năm giảm từ 27 xuống 5 độ C. “Trái đất đột ngột trở nên lạnh giá”, ông Brugger nói.
Theo tính toán của các nhà khoa học, nhiệt độ không khí toàn cầu giảm ít nhất 26 độ C. Loài khủng long vốn đã quen với điều kiện khí hậu lý tưởng nên không thể kịp thích nghi.
Trái đất duy trì nền nhiệt lạnh giá này trong suốt 3 năm sau đó. Lượng băng ở hai cực ngày càng được mở rộng.
Các nhà khoa học mô phỏng lại những gì xảy ra sau khi thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái đất cách đây 65 triệu năm trước.
“Việc Trái đất trở nên lạnh lẽo đóng vai trò chính trong việc khiến loài khủng long tuyệt chủng. Điều này quan trọng hơn nhiều so với lượng bụi khổng lồ vốn chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, hay nhiệt độ nóng chảy ở nơi thiên thạch rơi, cháy rừng hoặc sóng thần”, đồng tác giả nghiên cứu, Georg Feulner nói.
Theo các nhà khoa học, Trái đất phải mất tới 30 năm mới có thể khôi phục được điều kiện khí hậu như trước khi xảy ra thảm họa thiên thạch.
Nghiên cứu về những gì xảy ra trên Trái đất trong quá khứ cũng đóng góp vào việc dự đoán những mối đe dọa thiên thạch trong tương lai, Daily Mail đưa tin.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức nhấn mạnh mối đe dọa tuyệt chủng đối với sự sống trên Trái đất, tác động của biến đổi khí hậu đến tất cả các dạng sống trên hành tinh.
Ngày nay, nhân loại phải đối mặt với hiện tượng ấm lên toàn cầu chứ không còn là việc thời tiết trở nên lạnh giá một cách tự nhiên.
Nghiên cứu cũng giúp giải thích thảm họa tuyệt chủng khiến bộ mặt của hành tinh thay đổi ra sao và việc hình thành nên sự sống mới.